Theo phản ánh của một số người dân ở TP. Nha Trang, hiện nay, nhiều F0 điều trị tại nhà trên địa bàn thành phố chưa được cấp các gói thuốc điều trị. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết:
|
– Khánh Hòa là một trong những địa phương được Bộ Y tế chọn thí điểm cấp thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 cho những F0 điều trị tại nhà (gói thuốc C). Hiện nay, gói thuốc này đã được phân bổ về thành phố và đã được cấp hết cho những F0 điều trị tại nhà.
Đối với gói A, thời gian qua có một số trạm y tế xã, phường của thành phố chưa cấp thuốc kịp thời cho người dân. Nguyên nhân là từ sau Tết Nguyên đán tới nay, số ca mắc tăng cao; bình quân mỗi ngày trên địa bàn thành phố ghi nhận từ 500 đến gần 1.000 ca. Trong khi đó, lực lượng y tế ở mỗi trạm y tế chỉ có từ 4-5 người, vừa đảm nhiệm một số hoạt động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, vừa phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu khác cho người dân. Từ đó dẫn tới sự quá tải nên có những thời điểm, một số trạm y tế chưa chuẩn bị kịp thời gói thuốc A để cấp cho người mắc Covid-19, nhất là ở những xã, phường đông dân, có số ca mắc cao như: Phước Đồng, Vĩnh Phước, Phước Long….
Từ khi triển khai quy định hướng dẫn điều trị, chăm sóc người F0 tại nhà đến nay, 27 trạm y tế lưu động của thành phố đã chăm sóc, điều trị cho hơn 38.500 F0, trong đó có hơn 33.000 F0 đã được điều trị khỏi và hiện tại đang điều trị cho hơn 5.000 người. Với số lượng lớn F0 như trên nên trong quá trình chăm sóc, hướng dẫn điều trị cho F0 tại nhà của các trạm y tế cũng không tránh khỏi thiếu sót.
Vì thế, thành phố mong người dân thông cảm, chung tay chia sẻ những khó khăn, vất vả của ngành Y tế, cũng như địa phương trong công tác chống dịch Covid-19.
– Hiện nay, nhiều người dân băn khoăn khi trở thành F0 thì nên báo cho trạm y tế hay tự điều trị tại nhà, thưa ông?
– Người dân nên báo cho trạm y tế để được hướng dẫn biện pháp phòng lây nhiễm cho người khác, nhất là người thân trong gia đình, hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị đúng cách tại nhà; được theo dõi sức khỏe, khi có dấu hiệu chuyển biến nặng sẽ được kết nối chuyển lên tuyến trên điều trị kịp thời. Sau khi khỏi bệnh, người dân sẽ được trạm y tế cấp giấy chứng nhận hoàn thành điều trị để được hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội (nếu có).
– Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố hiện nay như thế nào, thưa ông?
– Hiện nay cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng vẫn đang thực hiện “Thích ứng an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế”. Hiện, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 trong cả nước đạt rất cao, trong đó có Khánh Hòa. Riêng TP. Nha Trang đã thực hiện tiêm đủ 2 mũi cho 100% người dân trong độ tuổi tiêm chủng phòng Covid-19, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3 đạt hơn 87%. Với kết quả thực hiện độ bao phủ vắc xin tỷ lệ cao, trong số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố, số F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ chiếm tỷ lệ rất cao, hơn 90%. Cùng với đó, Bộ Y tế đã cấp phép cho 3 đơn vị trong nước sản xuất thuốc điều trị Covid-19 và đang xây dựng hướng dẫn, quy định việc mua, bán thuốc này tại các nhà thuốc, quầy thuốc nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và kịp thời sử dụng thuốc để điều trị tại nhà.
Bên cạnh đó, thành phố vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp chống dịch như: tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, không lơ là, chủ quan; đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao ý thức của người dân, nhất là các biện pháp phòng lây nhiễm, thực hiện nghiêm quy định 5K; tiếp tục xét nghiệm tầm soát diện hẹp và tăng cường công tác chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; duy trì và đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân, nhất là việc tiêm mũi bổ sung và nhắc lại, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện tiêm vắc xin cho nhóm tuổi từ 5 đến 11 tuổi….
– Xin cảm ơn ông!
Thảo Ly (Thực hiện)