Năm học 2019 – 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GD mầm non, tiểu học, THCS công lập. Đối với cấp PTTH do đặc thù nên chưa tiến hành xem xét.
Sáp nhập một số trường
Từ tháng 9-2019, trên địa bàn TP. Nha Trang, một số phường có 2 trường mầm non, số lượng lớp học ít đã và sẽ tiến hành sáp nhập. Cụ thể, tại phường Phương Sài, đã sáp nhập Trường Mầm non 20-10 và Trường Mầm non Hoa Hồng. Đến tháng 11, thành phố sẽ hoàn tất việc sáp nhập một số trường gồm: Mầm non Lộc Thọ và Mầm non Hồng Chiêm (phường Lộc Thọ); Mầm non Vạn Thắng và Mầm non 2-4 (phường Vạn Thắng); Mầm non Phước Tân và Mầm non Bình Khê (phường Phước Tân).
Đối với cấp tiểu học và THCS, năm học này tiến hành sáp nhập các trường tiểu học quy mô nhỏ hoặc sáp nhập trường tiểu học với trường THCS trên cùng một địa bàn. Cụ thể, tại TP. Cam Ranh, đã sáp nhập Trường Tiểu học Cam Linh 1 và Cam Linh 2. Tại huyện Diên Khánh, sáp nhập Trường Tiểu học Suối Hiệp 1 và Suối Hiệp 2. Huyện Vạn Ninh sáp nhập Trường Tiểu học Vạn Phước 1 và Vạn Phước 2, sáp nhập Trường Tiểu học Vạn Phú 1 và Vạn Phú 2. Thị xã Ninh Hòa cũng dự kiến sáp nhập Trường Tiểu học Ninh Vân với Trường THCS Nguyễn Phan Vinh, Trường Tiểu học Ninh Tân với Trường THCS Nguyễn Thị Định…
Theo Sở GD-ĐT, đối với cấp THPT, do đặc thù của cấp học nên chưa tiến hành sáp nhập trường, vì hiện nay hầu hết các trường có số lớp theo quy định và phù hợp với mạng lưới đã được phê duyệt.
Phải phù hợp với điều kiện từng vùng
Theo lộ trình, dự kiến đến năm 2021, TP. Nha Trang chỉ còn 100 trường mầm non, tiểu học và THCS, giảm 11 trường so với năm học 2018 – 2019. Đến năm 2025, còn khoảng 90 trường. Tại TP. Cam Ranh, dự kiến đến năm 2025 sẽ giảm 10 trường so với hiện tại. Tại huyện Diên Khánh, dự kiến sau năm 2020 sẽ sáp nhập Trường Tiểu học Diên Sơn 1 và Diên Sơn 2; Trường Tiểu học Diên An 1 và Diên An 2; Trường Tiểu học Diên Phú 1 và Diên Phú 2. Năm học 2021 – 2022, thành lập mới Trường Tiểu học và THCS Diên Đồng trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Diên Đồng và điểm trường lẻ của Trường THCS Nguyễn Huệ… Còn tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, do đặc thù dân cư thưa thớt, địa hình nhiều sông, suối cách ngăn nên vẫn duy trì các điểm trường lẻ và không tiến hành sáp nhập các trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học, nhất là vào mùa mưa lũ.
Theo ông Trần Ngọc Anh – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD-ĐT, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết số 19/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, góp phần tinh gọn lại hệ thống các cơ sở GD trên địa bàn, giảm mạnh đầu mối và khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhà giáo.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô các lớp học từ mầm non đến phổ thông một cách hợp lý; thu gọn các điểm trường, tạo thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Đồng thời, rà soát, tổ chức các trường nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu, địa bàn dân cư; tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở GD mầm non từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao. Việc sắp xếp, tổ chức lại phải gắn với nâng cao chất lượng GD; đồng thời gắn với Nghị quyết 07/2018 của HĐND tỉnh sửa đổi Nghị quyết số 05/2012 về quy hoạch phát triển hệ thống GD trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn đến 2025.
Sở GD-ĐT cho biết, sẽ tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện dồn, ghép các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở GD có quy mô nhỏ khối mầm non, phổ thông tại các địa phương.
H.NGÂN
Theo: Báo Khánh Hòa