Ngày 9-2, Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa tổ chức họp mặt truyền thống các học sinh, sinh viên (HS, SV) người dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đang học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong cả nước nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018. Đến dự có các ông: Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Xuân Thân – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Duy Bắc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Những năm qua, bên cạnh các chế độ, chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ như: HS, SV là người DTTS thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng với mức bằng 60% tiền lương cơ sở; hưởng chính sách nội trú bằng 100% tiền lương cơ sở khi tham gia chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỉnh còn có các chủ trương, chính sách riêng như: các chế độ khen thưởng, học bổng đối với HS, SV; hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em học mẫu giáo và học bổng cho HS tiểu học người DTTS; trẻ em học mẫu giáo, HS phổ thông là người DTTS được hỗ trợ thêm 30% học phí đối với các thôn, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và 100% học phí đối với 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh… Những chính sách thiết thực đó đã tạo điều kiện cho các em cắp sách đến trường, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tại các địa bàn miền núi của tỉnh có những bước phát triển khởi sắc và gặt hái được một số thành quả đáng khích lệ cả về số lượng, quy mô và chất lượng.
Năm 2017, tổng kinh phí thực hiện chế độ cho HS, SV DTTS trên địa bàn tỉnh là hơn 1,9 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ cho HS, SV DTTS theo quy định của Nghị quyết số 02/2015 HĐND tỉnh là hơn 1,4 tỷ đồng; Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chế độ học bổng, sinh hoạt phí, học phí cho SV đi học tại các trường đại học theo chế độ cử tuyển là gần 500 triệu đồng.
Năm học 2017–2018, toàn tỉnh có 409 HS, SV người DTTS theo học tại 38 trường trung cấp, cao đẳng, đại học (tăng 17 em so với năm học 2016-2017); trong đó, có 89 em bắt đầu vào học năm thứ nhất. Có 110 em học trình độ đại học, chiếm tỷ lệ 26,9% (tăng 2,9%); 116 em học cao đẳng, chiếm 28,4% (giảm 26,2%) và 183 em học trung cấp, chiếm 44,7% (tăng 23,3%). Ngành Sư phạm có 112 em, chiếm 27,4% (giảm 1,8%); ngành Y dược có 40 em, chiếm 9,8% (giảm 1,5%), các ngành Kỹ thuật, học nghề có 187 em, chiếm 45,7% (tăng 21,8%), tập trung chủ yếu ở các trường: Đại học Khánh Hòa, Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Quy Nhơn, Đại học Y dược Huế, Cao đẳng Y tế Khánh Hòa; các trường trung cấp, cao đẳng nghề…
Theo ông Lê Tuấn Tứ – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, những số liệu thống kê trên cho thấy, công tác hướng nghiệp, phân luồng; việc chăm lo học hành cho con em đồng bào DTTS ở các huyện miền núi ngày càng được quan tâm, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về chuyên môn kỹ thuật thuộc các ngành nghề khác nhau phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Các em HS, SV là người DTTS đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên giành được nhiều thành tích trong học tập. Riêng năm học 2016 – 2017, có 118 em đạt loại học lực khá, giỏi, chiếm 28,8%; trong đó có 5 em đạt loại giỏi (SV hệ đại học đạt loại giỏi tăng 3 em), 113 em đạt loại khá. Tuy vậy, vẫn còn 23 em có kết quả học tập yếu, kém, chiếm 5,9% (trong số đó có 4 em là SV cử tuyển), tăng 4 em học lực yếu so với năm học trước. Có 3 trong số 4 SV cử tuyển học lực yếu đã xin chấm dứt đi học theo chế độ cử tuyển.
Trong số các SV người DTTS đã tốt nghiệp, nhiều em đã trở về công tác, xây dựng quê hương. Em Đàm Thị Điệp, người dân tộc Nùng, huyện Khánh Vĩnh, tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường Trường Đại học Nha Trang niên khóa 2012-2016, đang công tác tại Huyện ủy Cam Lâm chia sẻ: “Trong những năm tháng phổ thông, hoàn cảnh khó khăn, gia đình thuộc diện nghèo, ba mẹ em phải vất vả nuôi anh em chúng em ăn học. Em ý thức được rằng, chỉ có cố gắng học tập, rèn luyện thì mới có thể thay đổi được cuộc sống của gia đình. Khi còn là sinh viên, em đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo các cấp. Đó là nguồn động viên, khích lệ về tinh thần và vật chất quý báu để chúng em vượt qua khó khăn và tiếp tục phấn đấu…”.
Tại buổi gặp mặt, ông Lê Thanh Quang khen thưởng 5 HS, SV xếp loại học tập giỏi (4 triệu đồng/em); 113 HS, SV xếp loại khá (2 triệu đồng/em). UBND tỉnh khen thưởng mỗi SV đại học đạt loại giỏi số tiền 600.000 đồng, loại khá 400.000 đồng; HS, SV hệ trung cấp, cao đẳng đạt loại giỏi được tặng 400.000 đồng, loại khá 300.000 đồng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Lê Thanh Quang biểu dương những thành tích mà các HS, SV đã đạt được. Đồng thời, bày tỏ sự phấn khởi vì việc lựa chọn ngành nghề của HS, SV bước đầu đi đã đúng hướng. Đó là giảm dần tỷ lệ HS, SV theo học các ngành sư phạm và tăng tỷ lệ theo học các ngành khác đáp ứng nhu cầu của xã hội nói chung và địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa nói riêng. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ trăn trở khi vẫn còn một số trường hợp chưa cố gắng nỗ lực trong học tập, không theo kịp chương trình đào tạo, phải kéo dài thời gian học tập hoặc xin nghỉ học. Đồng chí động viên các HS, SV tiếp tục nỗ lực học tập, rèn luyện hơn nữa để từng bước xóa nghèo cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành tiếp tục tư vấn lựa chọn ngành học cho các em cũng như thường xuyên xem xét để đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chính sách nhằm đáp ứng tốt các điều kiện học tập đối với HS, SV theo học trung cấp, cao đẳng, đại học…