Sáng 31-5, ông Lê Thanh Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa làm việc với Sở Công Thương về triển khai thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Cùng dự có các ông: Phan Thông – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
Tăng trưởng chưa như mong đợi
Tại buổi làm việc, bà Lê Thu Hải – Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: “Tình hình tăng trưởng của CN trong suốt thời gian qua chưa được như mong đợi. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án lớn chậm triển khai. Đặc biệt, cơn bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại năng nề cho các đơn vị sản xuất CN; trong đó có các doanh nghiệp (DN) chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất CN như: Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty TNHH Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, Công ty Cổ phần Dệt Nha Trang, các DN tại Cụm CN Diên Phú, Đắc Lộc… dẫn đến giá trị sản xuất CN năm 2017, 6 tháng đầu năm 2018 tăng thấp”.
Tuy mức tăng trưởng chưa như kỳ vọng, song Sở Công Thương vẫn tin tưởng trong thời gian tới, với nhiều nỗ lực thu hút đầu tư, CN sẽ có mức tăng trưởng khả quan. Ông Trần Văn Ngoạn – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Năm 2017, trong khi dịch vụ du lịch chiếm 47% GDP của tỉnh, thì CN, xây dựng chỉ chiếm 42% GDP. Điều này đã phần nào nói lên mức tăng trưởng chung của CN thời gian qua chưa như mong đợi. Tuy nhiên, thời gian tới, ngành CN sẽ có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, khi Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong đi vào hoạt động sẽ góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng chung. Cùng với đó, 8 dự án điện mặt trời với tổng số vốn hơn 10.000 tỷ đồng, các dự án khu CN, cụm CN đang được xây dựng sẽ là những cú hích tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”.
Bên cạnh lĩnh vực CN, các lĩnh vực khác như: hạ tầng thương mại, quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý ngành cũng có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào chiều sâu. Các chợ, trung tâm thương mại được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp khang trang và kinh doanh có hiệu quả, cung cách phục vụ văn minh hiện đại. Hoạt động xuất nhập khẩu có nhiều chuyển biến, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng và ổn định hơn. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng… luôn được quan tâm. Lĩnh vực cải cách hành chính đã đơn giản hóa nhiều thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho DN, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn trong sản xuất kinh doanh, sớm đưa dự án vào hoạt động.
Nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp phát triển
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ban, ngành đều nhìn nhận, CN là lĩnh vực then chốt, chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, Sở Công Thương cần tiếp tục tập trung trong phát triển CN và công tác khuyến công. Theo ông Nguyễn Văn Nhựt – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương cần quan tâm đến chỉ số phát triển CN vì nó góp phần quyết định mức tăng trưởng kinh tế. Sở và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong nghiên cứu phương án thúc đẩy các nhà đầu tư đưa số vốn đã đăng ký thành số vốn thực hiện nhằm tăng giá trị sản xuất. Ông Phan Thông nhấn mạnh: “Cần đưa CN góp phần vào xây dựng nông thôn mới, phát triển hơn nữa CN nông thôn; xây dựng các nhà máy sản xuất nhỏ ở vùng sâu, vùng xa để tạo thêm việc làm. Song song đó, tiếp tục nghiên cứu chiến lược phát triển CN, từ thương mại điện tử cho tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, tại buổi làm việc, Sở Công Thương kiến nghị lãnh đạo tỉnh một số vấn đề, trong đó mong muốn tỉnh quan tâm kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam đầu tư phát triển cảng Cam Ranh thành cảng xuất nhập hàng hóa trực tiếp, dịch vụ logictis nhằm tăng khả năng cạnh tranh của DN trong tỉnh, phục vụ việc xuất nhập khẩu hàng hóa của các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu CN, cụm CN và hạ tầng ngoài hàng rào khu CN, cụm CN; có cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư; khuyến khích các DN đầu tư sản xuất trong các khu CN, cụm CN để thuận lợi trong công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2015 đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp (CN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; giá trị sản xuất CN bình quân hàng năm tăng 8,15%. Riêng năm 2017, sản xuất CN chỉ tăng 6,5% so với năm 2016 (chỉ tiêu kế hoạch tăng 7,5%). Một số ngành có sự phát triển cả về chất và lượng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao. |
Nhằm thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành CN, chuyển đổi mô hình phát triển chiều rộng sang chiều sâu, Sở Công Thương mong muốn tỉnh quan tâm cân đối nguồn ngân sách để khuyến khích DN đầu tư đổi mới máy móc, hỗ trợ cho các DN CN nông thôn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài ra, các vấn đề triển khai xây dựng Tỉnh lộ 3, mở showroom giới thiệu sản phẩm CN, xúc tiến thương mại cũng được sở đề cập.
Kết luận buổi làm việc, ông Lê Thanh Quang yêu cầu Sở Công Thương quan tâm, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu CN, cụm CN mới trên địa bàn tỉnh; từ những khó khăn, vướng mắc thực tiễn, đề xuất HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ DN, thu hút đầu tư. Đồng chí cũng nhấn mạnh, số lượng các khu CN, cụm CN như hiện nay đã tương đối đáp ứng được quy mô phát triển của tỉnh, vấn đề còn lại là kêu gọi đầu tư và tìm các nhà đầu tư đủ năng lực. Về các dự án điện năng lượng mặt trời, hiện nay Bộ Công Thương đã phê duyệt 8/29 dự án trên địa bàn tỉnh; Sở Công Thương cần xúc tiến, đôn đốc các chủ đầu tư nhanh chóng triển khai, phấn đấu đến năm 2019 có dự án điện mặt trời được triển khai.
Đối với công tác khuyến công, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý Sở Công Thương nên ưu tiên cho các DN phục vụ tăng thu nhập cho nông dân, đổi mới công nghệ cho DN. Riêng kiến nghị thành lập showroom để các DN của tỉnh tập trung giới thiệu và bán các sản phẩm CN nông thôn theo chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, tỉnh đồng ý bố trí tại Khu Trung tâm Đô thị – Thương mại – Dịch vụ – Tài chính – Du lịch Nha Trang (khu sân bay Nha Trang cũ).
Lâm Dung
Theo: Báo Khánh Hòa