Khánh Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này, các địa phương, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ nhiều sở, ngành của tỉnh.
Ít được khai thác
Với không gian trải dài từ miền biển, đồng bằng, đồi núi, Khánh Hòa có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch như: biển đảo, sinh thái, cộng đồng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, du lịch Khánh Hòa gần như chỉ tập trung khai thác du lịch biển đảo, ít chú trọng xây dựng khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Tính đến nay, các điểm du lịch sinh thái được du khách nhớ đến chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Công viên Du lịch Yang Bay, Khu du lịch sinh thái Ba Hồ, Khu du lịch Galina Lake View (hồ Kênh Hạ)… Nhiều sông, suối, các vùng rừng núi ở Khánh Sơn và Khánh Vĩnh gần như bị lãng quên hoặc có khai thác thì cũng mang tính tự phát. Hòn Bà, nơi có nhà bác sĩ Yersin cùng hệ động, thực vật quý giá cũng chưa phát huy giá trị về du lịch. Tương tự, dù có lịch sử văn hóa lâu đời, cộng đồng dân cư có nhiều nét sinh hoạt độc đáo, nhưng du lịch cộng đồng của Khánh Hòa cũng không phát triển. Làng cổ Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang), điểm tham quan được nhiều du khách tàu biển ưa thích vì hạn chế về “đường đi lối lại”, vì bị quá trình đô thị hóa làm biến đổi không gian nên đến nay đã không còn hấp dẫn như trước.
Theo các chuyên gia du lịch, muốn phát triển bền vững, du lịch Khánh Hòa cần đa dạng hóa sản phẩm, trong đó có việc xây dựng, khai thác du lịch sinh thái, cộng đồng. Tại hội thảo Thực trạng ô nhiễm môi trường du lịch Nha Trang – Khánh Hòa và định hướng phát triển bền vững do Hội Trí thức tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu kiến nghị ngành Du lịch tỉnh cần mở rộng không gian du lịch ra các địa phương trong tỉnh, chú ý khai thác du lịch sinh thái. “Trước đây, tỉnh đã từng đầu tư đường lên Hòn Bà để phát triển du lịch, nhưng sau đó vì nhiều lý do nên đã bỏ dở giữa chừng. Theo tôi, cần phải đầu tư khai thác du lịch ở đây, với những di sản của bác sĩ Yersin để lại, một khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động, thực vật có giá trị…, chúng ta có thể xây dựng thành tour du lịch sinh thái rất hấp dẫn”, bà Nguyễn Khoa Diệu Hương – nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội thảo.
Cần sự tiếp sức
Theo lãnh đạo Sở Du lịch, hiện nay, sở đang xây dựng đề án tái cơ cấu du lịch Khánh Hòa, trong đó việc tái cơ cấu sản phẩm du lịch là một trong những nội dung trọng tâm. Theo đó, thời gian tới, ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa truyền thống, cuộc sống của người dân nông thôn tại khu vực đồng bằng trải dài từ vùng biển đến sát vùng đồi núi. Đồng thời, du lịch Khánh Hòa sẽ phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái với các hệ sinh thái rừng ở vùng đồi núi phía tây, nhất là ở khu vực Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Hiện nay, việc phát triển du lịch ở Hòn Bà đã được “khởi động” trở lại.
Một trong những vấn đề khó khăn trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng. Phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh vừa qua, ông Nguyễn Thành Trung – Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ nhiều hơn để các địa phương, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông. Nhiều điểm có khả năng phát triển du lịch sinh thái nhưng vì đường đi vào quá khó khăn nên doanh nghiệp không mặn mà đầu tư xây dựng sản phẩm. Hoặc có những điểm doanh nghiệp đầu tư nhưng vì hạn chế về giao thông nên không phát triển như kỳ vọng ban đầu.
Việc hạn chế về cơ sở hạ tầng không chỉ diễn ra ở các huyện, thị xã mà ngay tại TP. Nha Trang. Ông Bùi Minh Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Phương Thắng cho biết, Khu du lịch Nha Trang xưa (xã Vĩnh Thái, Nha Trang) là điểm đến rất hấp dẫn để du khách khám phá văn hóa truyền thống, đời sống của người dân Nha Trang xưa nhưng vì hạn chế về đường đi nên rất nhiều công ty lữ hành chuyên đón khách tàu biển muốn đưa khách đến đây tham quan cũng bó tay.
Bên cạnh sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nhiều ý kiến cho rằng để phát triển các dự án du lịch sinh thái, cộng đồng, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa và các sở, ngành liên quan cần hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng sản phẩm; kết nối với các đơn vị lữ hành để đưa khách đến; đồng thời phải làm tốt công tác marketing, quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch sinh thái của Khánh Hòa để du khách biết tới thì mới có thể duy trì hoạt động lâu dài.
XUÂN THÀNH