Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Thủ tướng quyết định cấp 1.000 tỷ đồng cho các tỉnh thiệt hại sau bão

Để hỗ trợ cho các tỉnh chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 12, Thủ tướng quyết định cấp ít nhất 500 tấn gạo cho địa phương thiệt hại nặng và 100-200 tấn gạo cho địa phương ảnh hưởng nhẹ.

Chiều 6/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả  cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12.

Tại đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai) nhận định, năm 2017, Biển Đông đón 12 cơn bão, trong đó 5 cơn đổ bộ trực tiếp vào đất liền. Riêng cơn bão số 10 và 12 có cấp độ rủi ro cấp 4. Trước nhận định cơn bão số 12 nguy hiểm và khốc liệt hơn cơn bão số 10, Bộ trưởng Cường cho biết các địa phương đã đã dồn sức triển khai các biện pháp phòng, chống trước khi bão đổ bộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị.

“Mặc dù đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến giờ phút này phải khẳng định thiệt bão số 12 là rất lớn. Hiện nay lũ trên tất cả các sông đều ở mức báo động 3, nhiều nơi trên báo động 3. Lũ gần chạm mốc lịch sử năm 1999”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tỉnh Khánh Hòa kiến nghị cấp 25.000 tấn gạo

Để giải hậu quả sau cơn bão, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị trung ương hỗ trợ khẩn cấp 25.000 tấn gạo. Để khắc phục các khu vực sản xuất, sửa chữa công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng, tỉnh mong muốn được cấp khoảng 1.155 tỷ đồng.

Trước kiến nghị trên, Thủ tướng đặt câu hỏi: “Khánh Hòa kiến nghị nhiều quá, cấp tận 25.000 tấn gạo để làm gì, cần phải sát thực hơn”.

Tham dự hội nghị trực tuyến, ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư tỉnh ủy Phú Yên đánh giá bão vào tỉnh nặng nhất từ trước đến nay. “Dù tổng thiệt hại rất lớn, song chúng tôi đề nghị được trợ cấp 300 tấn gạo và 320 tỷ đồng”, ông Việt nói.

Về sự cố chìm 8 tàu ở cảng Quy Nhơn, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tình Bình Định chia sẻ rằng đây là sự cố không lường trước được. Cảng chỉ có công suất chứa 30 tàu nhưng tại thời điểm bão đổ bộ, 104 tàu hàng công suất lớn và nhiều tàu vãng lai neo đậu.

Theo đó, rạng sáng 4/11, 8 tàu cùng 84 ngư dân trên tàu bị chìm. Lãnh đạo tỉnh đã huy động các lực lượng, 10 tàu công suất nhỏ bao vây dọc biển để ứng cứu và vớt được 71 thuyền viên.

Hiện một số vùng còn cô lập. Tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 1.000 tấn gạo để cứu đói và kinh phí khắc phục sự cố hạ tầng về giao thông, thủy lợi.

Bão số 12 khiến nhiều ngôi nhà ở Nha Trang, Khánh Hòa tốc mái hoàn toàn. 

Theo ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lũ ở địa phương này đang xấp xỉ với đỉnh lũ cao nhất năm 2009. Lượng mưa trung bình là 488 mm, thậm chí có ngày đạt 781 mm và cao nhất ở Nam Trà My đạt 1.400 mm. “Thủy điện sông Tranh đang vận hành an toàn. 10 người chết, 10 mất tích chủ yếu ở khu vực vùng núi do sạt lở đất, những nơi tưởng an toàn”, ông Thu nhấn mạnh.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhận định trong 3 ngày qua, lượng mưa khá lớn khoảng 400 -1.000 mm trên diện rộng, có nơi trên 2.300 mm.

“Các địa phương vẫn chưa chủ động”

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo có 4 tỉnh thiệt hại nặng về lưới điện, mất điện gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế. Khánh Hòa cấp điện được 75%, Quảng Nam hiện mất điện 50% toàn tỉnh. Các hồ vẫn đang được vận hành an toàn.

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết bộ này đang phối hợp với các cơ quan, địa phương để đảm bảo người dân không bị đói.

“Đề nghị về lượng gạo của Khánh Hòa lớn hơn tổng số hỗ trợ từ đầu năm đến giờ của cả nước, nên cần cân đối với nhu cầu. Gạo về nhưng lại để tồn lâu, do vậy cần phương án kịp thời”, bà Lan thẳng thắn nêu quan điểm.

Bão số 12 khiến nhiều hộ dân ở Nha Trang trong cảnh màn trời chiếu đất.

Tại hội nghị trực tuyến diễn ra chiều nay, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cảnh báo ngày 12-13/11, một vùng áp thấp mới hình thành trên Biển Đông, kết hợp không khí lạnh có thể gây mưa.

Trong khi đó, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị không được chủ quan, vì hồ đập ở Quảng Nam đã từ lâu, nguy cơ sạt lở lớn. “Các địa phương chưa chủ động, để tàu vào tránh trú gấp nhiều lần công suất chứa. May là bão lần này cường độ không lớn lắm. Các tỉnh ven biển nghiên cứu đề xuất phương án khi có bão, giải quyết việc neo đậu tàu thuyền như thế nào”, ông Chiêm thẳn thắn.

“Không có hồ bị vỡ là bài học cho các địa phương”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi công tác chỉ huy, ứng phó với bão số 12 đã làm rất tốt. “Ở nhiều địa phương, lãnh đạo lặn lội, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường. Đặc biệt, công tác dự báo tiến bộ, điều tiết hồ chứa làm khá tốt. Hồ chứa dày đặc nhưng gần như không có hồ bị vỡ, đây là bài học cho các địa phương cũng như Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cả hệ thống chính trị tiếp tục chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt để người dân không bị đói, chịu cảnh màn trời chiếu đất và sớm trở lại cuộc sống bình thường. Đặc biệt đảm bảo các hoạt động của APEC diễn ra tốt.

Nhiều địa phương bị ảnh hưởng, ngập lụt nặng nề và chia cắt do bão lũ.

Chủ trì hội nghị trực tuyến, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương coi đây là nhiệm vụ quan trọng, hỗ trợ người dân dựng lại nhà cửa. Ngoài ra, cần dọn dẹp vệ sinh môi trường tránh dịch bệnh xảy ra và tiếp tục theo dõi hồ chứa.

Nhằm hỗ trợ cho các tỉnh bị thiệt hại do bão số 12, Thủ tướng quyết định cấp ít nhất 500 tấn gạo cho địa phương thiệt hại nặng và 100-200 tấn gạo cho địa phương ảnh hưởng nhẹ. Về tài chính, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông phối hợp Bộ Tài chính hỗ trợ tổng 1.000 tỷ đồng cho các địa phương theo thứ tự ưu tiên cho những việc cần thiết nhất.

Cuối hội nghị, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần “xắn tay áo để cùng khắc phục hậu quả”.

Kinh thành Huế bị ngập sâu, người dân trắng đêm canh lũ

“Năm nay lũ không lớn như năm 1999 nhưng nước lên nhanh hơn, giờ chúng tôi phải chống đói bằng mì tôm, cơm nguội chan nước mắm” bà Hồng – người dân cố đô Huế chia sẻ trong đêm lũ.

Hơn 15.000 ngôi nhà ở ‘rốn lũ’ Đại Lộc ngập sâu trong nước

Mưa lớn kéo dài cùng với việc các nhà máy thủy điện liên tục xả khiến vùng “rốn lũ” Đại Lộc (Quảng nam) bị cô lập.

Ứng phó với ngập lụt sau bão số 12

bão số 12


Thủ tướng chỉ đạo bão số 12


bão Damrey


ngập lụt sau mưa bão

Theo: Zing News