Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT để lấy ý kiến. Điểm đáng lưu ý là những điều chỉnh về mặt kỹ thuật nhằm phòng tránh tiêu cực và thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia.
Thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên thi chung với thí sinh THPT
Dự thảo quy chế thi quy định thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với thí sinh THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD-ĐT quyết định, thay vì thi riêng như những năm trước. Tại các điểm thi này, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi sẽ không phân biệt thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên hay thí sinh THPT đang học lớp 12, nhằm phòng ngừa những tiêu cực có thể xảy ra ở khâu coi thi.
Dự thảo cũng bổ sung điều khoản người tham gia ban thư ký hội đồng thi không được tham gia ban làm phách, ban chấm thi tự luận, ban chấm phúc khảo bài thi tự luận.
Camera giám sát bảo quản đề thi, bài thi
Quy trình ra đề thi cũng được nêu chi tiết trong dự thảo. Trong đó, việc ra đề thi trắc nghiệm phải đảm bảo đúng các khâu: rút các câu hỏi thi trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi; phân công các thành viên trong tổ ra đề thẩm định từng câu hỏi; trộn đề, rà soát từng phiên bản của đề thi, đáp án cũng như tổ chức phản biện độc lập.
Dự kiến phòng bảo quản đề thi, bài thi sẽ có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày. Đồng thời, có ít nhất 1 công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường đại học, cao đẳng thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ.
Việc chấm trắc nghiệm do trường đại học chịu trách nhiệm
Nếu như năm trước, việc chấm thi trắc nghiệm do các sở GD-ĐT thực hiện, gây ra những lùm xùm tiêu cực ở một số tỉnh, thành thì năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì công tác này. Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ; phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.
Trường đại học được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cử người để giám đốc sở GD-ĐT ra quyết định thành lập ban chấm thi trắc nghiệm. Ban này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia. Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường đại học có quyền thay đổi hoặc đình chỉ việc chấm thi đối với các thành viên thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế thi hoặc có nhiều sai sót khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có trách nhiệm kiểm tra, xác minh khi có bất thường xảy ra theo yêu cầu của tổ giám sát. Người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không được tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương có người thân dự thi.
Việc triển khai chấm thi trắc nghiệm được nêu chi tiết trong dự thảo; việc phúc khảo bài thi cũng được quy định chặt chẽ hơn và có giám sát của cán bộ thanh tra.
Tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia chiếm 70% điểm tốt nghiệp
Các năm trước, điểm xét tốt nghiệp được tính theo công thức: điểm thi THPT quốc gia (điểm trung bình của tổng điểm các bài thi bắt buộc và tổng điểm khuyến khích nếu có) chiếm 50%, điểm trung bình cả năm lớp 12 chiếm 50%, cộng điểm ưu tiên nếu có. Năm nay, tỷ lệ điểm thi THPT quốc gia dự kiến chiếm tới 70%.
Một điểm mới nữa của dự thảo là việc cộng điểm khuyến khích khi xét tốt nghiệp sẽ có thêm đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp trung cấp, mức cộng giống như học sinh có giấy chứng nhận nghề (từ 1 điểm, 1,5 điểm, 2 điểm tùy theo kết quả đạt loại trung bình, khá, giỏi).
H.NGÂN
Theo: Báo Khánh Hòa