Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại 2 xã của huyện Cam Lâm vừa giúp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Khánh Hòa (Agribank Khánh Hòa) mở rộng mạng lưới hoạt động đến cơ sở, vừa giúp người dân khu vực nông thôn xa trung tâm huyện thuận lợi tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Thuận tiện cho người dân
Có mặt tại điểm giao dịch lưu động ở UBND xã Cam Hiệp Nam vào sáng thứ Ba, chúng tôi thấy chỉ có 3 cán bộ, nhân viên ngân hàng gồm: 1 trưởng điểm, 1 giao dịch viên, 1 cán bộ tín dụng nhưng thực hiện khá đầy đủ các nghiệp vụ ngân hàng. Tuy gọn nhẹ nhưng hoạt động của điểm giao dịch lưu động vẫn cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng cá nhân. Người dân trong xã và địa bàn lân cận không phải đi xa cũng tiếp cận được dịch vụ ngân hàng. Tranh thủ giờ nghỉ, cô Lê Thị Kim Lan (giáo viên Trường Tiểu học Cam Hiệp Nam) ở gần đó tạt qua rút tiền lương từ tài khoản. Cô Lan chia sẻ: “Trước đây, muốn giao dịch ngân hàng tôi đều phải đến thị trấn Cam Đức. Tuy nhiên, khi Agribank về tận xã giao dịch vào thứ Ba hàng tuần, tôi và nhiều người đến đây giao dịch, đỡ tốn thời gian đi xa, rất thuận tiện”.
Trong khi 2 cán bộ, nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hàng trên xe ô tô thì tại một căn phòng gần đó, cán bộ tín dụng hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục vay vốn ngân hàng và tư vấn các sản phẩm dịch vụ. Bà Phạm Thị Kim Điền (thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam) đang làm thủ tục vay 200 triệu đồng để khoan giếng, đầu tư hệ thống tưới, mua phân bón chăm sóc cho diện tích xoài của gia đình được hưởng chính sách cho vay ưu đãi của Nhà nước. Do đã được hướng dẫn từ tổ vay vốn ở thôn nên sau khi ký các giấy tờ cần thiết, bà Điền ra ô tô chuyên dùng nhận ngay tiền mặt. Bà Điền cho biết: “Nếu đi Cam Đức giao dịch phải mất 10km, trong khi đến đây chỉ mất 3km. Hồ sơ hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu”. Ông Phan Tuấn Cường – nhân viên Phòng Kế hoạch Kinh doanh Agribank Cam Lâm cho biết, thủ tục vay vốn khá đơn giản, hồ sơ được tổ vay vốn hướng dẫn hoàn thiện, nhân viên ngân hàng xuống thẩm định và khách hàng chỉ một lần đến điểm giao dịch thực hiện đầy đủ thủ tục để giải ngân”.
Phục vụ gần 3.700 khách hàng
Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng được Agribank Khánh Hòa khai trương từ tháng 11-2018 và giao cho Agribank Cam Lâm quản lý thực hiện giao dịch 2 ngày/tuần tại 2 điểm: xã Cam Hiệp Nam vào thứ Ba và xã Cam Phước Tây (cách trung tâm huyện khoảng 20km) vào thứ Năm hàng tuần. Theo bà Diệp Thị Phương Trúc – Phó Trưởng phòng Kế toán Agribank Cam Lâm, nếu điểm giao dịch Cam Phước Tây người dân chủ yếu rút tiền, giải ngân, thu nợ thì điểm Cam Hiệp Nam thực hiện khá đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Điểm giao dịch tích hợp khá đầy đủ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến người dân như: huy động vốn, tư vấn tín dụng; giải ngân, thu nợ, thu lãi; mở và sử dụng các tài khoản thanh toán, cung cấp dịch vụ thẻ, dịch vụ chuyển tiền…
Đến nay, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Cam Lâm đạt 950 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với đầu năm (tăng 11,8%), trong đó tiền gửi dân cư 885 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93,16%/tổng nguồn vốn; dư nợ đạt 540 tỷ đồng, tăng 23,3 tỷ đồng (tăng 4,5%). Chất lượng tín dụng luôn được chi nhánh kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu 0,03%. |
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Agribank Cam Lâm cho biết: Đến nay, điểm giao dịch lưu động đã đi vào hoạt động ổn định, nhận được sự ủng hộ tích cực của chính quyền địa phương các cấp cũng như người dân trên địa bàn. Chi nhánh đã thực hiện 27 phiên giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, phục vụ gần 3.700 khách hàng với tổng số tiền giao dịch hơn 16 tỷ đồng; trong đó, giao dịch huy động vốn và dịch vụ hơn 2,3 tỷ đồng (450 khách hàng), giao dịch giải ngân, thu nợ hơn 11,2 tỷ đồng (3.244 khách hàng). Trong năm 2018 và định hướng năm 2019, chi nhánh tiếp tục chú trọng đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi gia công, các mô hình kinh tế, vườn xoài, tỷ lệ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 99% tổng dư nợ cho vay. Ngoài ra, chi nhánh cũng tăng cường mở rộng cho vay lĩnh vực thương mại, dịch vụ theo định hướng kinh tế chung của huyện và phù hợp với tiềm năng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, chi nhánh chú trọng việc kiện toàn công tác cho vay qua tổ vay vốn, tổ liên kết, nâng mức cho vay thông qua tổ vay vốn đến 200 triệu đồng với sản phẩm hạn mức tín dụng hộ gia đình cá nhân, đa dạng các đối tượng đầu tư từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng đời sống, linh hoạt trong việc nhận tiền vay và trả nợ góp phần hạn chế nạn tín dụng đen; đồng thời, tăng quy mô và tăng cường giám sát vốn vay, hạn chế rủi ro tín dụng.
Ông Nguyễn Trí Tuân – Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho rằng, việc Agribank triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khu vực nông thôn ở các xã xa trung tâm huyện; giúp họ tiếp cận nguồn vốn cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; góp phần hạn chế nạn tín dụng đen ở nông thôn.
NAM DU
Theo: Báo Khánh Hòa