Thời gian qua ngành than và ngành điện bỗng được nhắc đến nhiều hơn không phải bởi câu chuyện giá mà là hàng loạt nhà máy thủy điện trên cả nước lâm vào cảnh “đắp chiếu” hoặc hoạt động nửa vời, cầm chừng vì…thiếu nước. Cùng đó, một số nhà máy nhiệt điện cũng phải tạm ngừng hoạt động vì khan hiếm nguồn than.
Nguy cơ thiếu điện trong mùa khô sắp tới đang trở nên hiện hữu!
“Cuộc khẩu chiến Điện-Than” kéo dài đã khiến Chính phủ phải vào cuộc. Và trong phiên họp thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 3/12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng cảnh báo nếu nguy cơ thiếu điện trong năm 2019 trở thành sự thực thì “một số đồng chí sẽ mất chức!”
Đi tìm hiểu cội rễ, Báo Điện tử VietnamPlus phát hiện ra rất nhiều nghịch lý, trong đó nổi lên là hành trình khó hiểu của than. Khi mà theo dự kiến năm 2019 nhiệt điện than sẽ chiếm tới 48% lượng điện của cả nước cũng là lúc phát lộ ra con đường vô cùng lắt léo và vòng vo của nguyên liệu cho nhiệt điện: Than trong nước được “xúc” lên xuất bán sang Trung Quốc với mức giá được cho là “bèo bọt,” để rồi, than lại nhập khẩu lại với giá cao từ các thị trường Indonesia, Nga, Australia… và cả Trung Quốc!
Hiện nay, trong số 9,7 tỉ USD mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nợ vay do Chính phủ bảo lãnh, có những khoản chênh lên đến nhiều nghìn tỉ đồng, dẫn đến các dự án đầu tư tăng chi phí. Điển hình như Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 tăng gần 9.000 tỉ đồng so với phê duyệt ban đầu, trong đó khoảng 7.000 tỉ đồng là mức tăng từ việc nhập than cho nhiệt điện than.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao một quốc gia xuất khẩu than, chuyên “xúc” than lên bán lại thiếu than và phải nhập khẩu than với mức giá cao gấp nhiều lần như vậy?
Lý giải từ ngành than là “chưa kịp khai thác!”
Theo đó, để sản xuất ra một tấn than trung bình phải đào khoảng 13 mét khối đất đá do vậy, tốn nhiều thời gian. Và, để tránh thiếu nhiên liệu sẽ đẩy giá than lên cao từ đó tạo áp lực lớn lên chi phí sản xuất điện thì phải…nhập!
Tuy nhiên, dù không phải mấu chốt nhưng là nguyên nhân lớn dẫn đến việc thiếu nhiên liệu chính là sự thất thoát tài nguyên thì chưa được ngành than đề cập tới. Trong khi, căn cứ trên báo cáo công khai kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV riêng năm 2018 đã cho ra con số ít nhất khoảng 4 triệu tấn than chính phẩm đã bị các mỏ khai thác của TKV “tuồn ra ngoài.” Đáng nói hơn, con số này, thực tế mới chỉ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong bức tranh “ma trận vàng đen” tồn tại trong suốt nhiều năm qua.
Dù sự kiện 104 tàu than bị bắt giữ năm 2008 cùng với các cuộc điều tra kéo dài hàng năm trời đã phần nào làm gián đoạn phong trào than lậu nhưng bản chất mới chỉ đánh vào “nồi cơm” của những trùm than bé nhỏ. Còn những ông, bà trùm quyền lực thật sự thì vẫn bình yên và như chưa từng gián đoạn “sứ mệnh” tẩu tán than lậu bấy lâu nay.
Chính tại thời điểm này, hoạt động khai thác, tẩu tán than lậu vẫn diễn ra “nóng bỏng” ở nhiều vùng đất mỏ.
Hàng chục, thậm chí cả trăm, ngàn tấn than ngày đêm vẫn được thẩm lậu ra ngoài, làm thất thoát một lượng tài nguyên khổng lồ gây thất thu ngân sách của Nhà nước và là nguyên nhân của thiếu nhiên liệu cho ngành điện!
Để góp một cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện này, Báo Điện tử VietnamPlus xin mời độc giả cùng nhóm phóng viên thâm nhập vào những “Thiên đường than lậu” để tìm hiểu về “ma trận vàng đen…”
Bài 1: Theo chân đội phu than đột kích vào ‘thiên đường than lậu’
Giữa trưa nắng, bỏ qua lời can ngăn từ người thân, chúng tôi vào vai những người đi mua than về đốt gạch, giấu toàn bộ thiết bị chụp ảnh, ghi hình trong người, rồi bắt đầu hành trình đột kích vào “thiên đường than lậu” để ghi lại hoạt động khai thác, vận chuyển, tuồn bán than trái phép ngay giữa thành phố Thái Nguyên-một trong những “điểm nóng” về tuồn bán than lậu khét tiếng ở khu vực miền Bắc.
Ngổn ngang than lậu giữa thành phố
Vào thời điểm giữa tháng 12/2018, tại xã Sơn Cẩm (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) có rất nhiều điểm tập kết than bên đường, có điểm than cục được chất cao lên đến vài ba mét. Chỉ cần vào hỏi mua than là ngay lập tức những người bán than tới trò chuyện và giới thiệu về các mặt hàng mà mình có, cũng như than lấy từ mỏ nào, chất lượng, giá cả ra sao. Họ nói vanh vách.
“Các anh mua chủng loại như nào, cám mấy, nhiệt mấy? Ở đây khối lượng không hạn chế, còn giá cả thì tùy loại than mà khách đặt hàng, nhiều hay ít có thể thỏa thuận, thương lượng. Yên tâm là than ở đây chất lượng y hệt ở trong công ty, nhưng giá cả thì rẻ hơn nhiều,” ông T., người tự xưng là chủ của một điểm chuyên thu gom, tập kết than lậu tại xóm 2, xã Sơn Cẩm sởi lởi “chào hàng.”
Sở dĩ ông T., khẳng định các loại than đen bóng ông bán đảm bảo chất lượng là bởi theo ông “hàng” được lấy từ Mỏ than Khánh Hòa – một trong số những mỏ than có tiếng nhất ở thành phố Thái Nguyên. Mỏ than này thuộc Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và rất nổi tiếng với hai bãi thải “khổng lồ” được đắp cao thành núi, đập vào mắt bất cứ ai đi ngang qua thành phố.
Với câu hỏi cần một nguồn hàng lớn và cung ứng thường xuyên, ông D., người làm thuê cho ông T., cười nhạt quả quyết: “Ở đây cỡ chục tấn than bọn chú làm chưa đến một giờ đồng hồ. Riêng xe ba chân chạy, mỗi ngày cũng lấy được khoảng 30-40 tấn. Yên tâm, hàng không thiếu, bọn cháu không phải lo.”
Thấy chúng tôi tỏ ra nghi ngờ, ông D., ngỏ ý dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu vực bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa. Trên đường đi qua khu dân cư, ông D., chỉ tay vào những đống than cục chất đống ven đường và bảo “tất cả những đống than ở đây đều được lấy từ bãi thải của mỏ than Khánh Hòa, người đi mót tập kết ở đây để chờ có đầu nậu thu gom là bán với giá từ 1,6-1,8 triệu đồng/tấn.”
Thế ở đây ai cũng đi vào bãi thải “mót” than được à? Ông D., cười : “Làm gì có chuyện đó, không có ‘phí’ làm sao vào mót được? “ Ở đây, lúc nào có người báo xe lên đổ trên bãi, người lên mót mới đông. Còn bảo vệ thì nó ăn theo ca, mỗi người vào nhặt, bọn nó cũng phải ăn được khoảng 40%, lắm lúc nó kỳ kèo lắm đấy,” ông D. Nói thêm.
[Bổ sung chế tài xử phạt tổ chức, cá nhân khai thác cát sỏi trái phép]
Theo ghi nhận của chúng tôi, xung quanh Mỏ than Khánh Hòa nằm trên địa bàn xã Sơn Cẩm, có đến hàng chục điểm tập kết than, chủ yếu là than cục, loại than được bán với giá cao nhất tại mỏ này. Với lợi nhuận cao từ 1,6-1,8 triệu đồng/tấn than, mỗi ngày những phu than nơi đây cho biết họ có thể “mót” được vài tấn, có khi cả chục tấn than đem bán cho các điểm tập kết rồi tuồn lậu ra ngoài thị trường.
Cách xã Sơn Cẩm chừng vài cây số, hoạt động tập kết, tuồn lậu than tại xã Phúc Hà cũng diễn ra rất phổ biến, công khai ngay giữa ban ngày. Ghi nhận xung quanh bãi thải của Mỏ than Khánh Hòa, có rất nhiều điểm tập kết than “mọc” lên. Hàng ngày, rất nhiều xe máy, ôtô chở than cục từ bãi thải đổ về.
Chị H., một người dân có thâm niên cả chục năm bán hàng cạnh điểm tập kết than ở ngã ba xóm 8, xã Phúc Hà cho hay: “Ở đây ngày nào cũng có hàng chục lượt xe máy chở than vào, có hôm còn chở bằng ôtô đến. Hôm nay ô tô chở ít, chứ mọi hôm đổ ầm ầm. Nó lấy từ dưới moong rồi múc lên bãi thải, dân đi nhặt đông lắm.”
Đúng như lời chị H., tiết lộ, trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì có 4 chiếc xe máy chở theo những tải than cục đi vào bãi tập kết đổ xuống rồi nhanh chóng phủ bạt che kín. Khoảng vài phút sau, những phu than này lại phóng xe máy hướng về phía bãi thải Mỏ than Khánh Hòa.
“Mỗi ngày cùng với chiếc xe máy ấy và những chiếc bao tải, rổ, sàng, họ cũng chở được cả vài ba tấn than về đây tập kết. Than nhiều lắm,” chị N., nói thêm.
Ngỡ ngàng về nguồn gốc than lậu
Để tận mắt chứng kiến hoạt động “tuồn” than bất hợp pháp của các phu than, chúng tôi nhanh chóng bám theo những chiếc xe máy từ bãi tập kết than đang hướng về phía moong khai thác của Mỏ than Khánh Hòa. Những chiếc xe máy chạy chao đảo qua hàng loạt ổ gà khiến bụi than rơi vãi trên đường bay mù mịt.
Chạy một đoạn, hàng loạt chiếc xe máy với đủ dụng cụ đồ nghề đi mót than dừng đỗ lại ở ven đường. Ngay bên mép moong mỏ khai thác có khoảng chục người dân đeo gang tay, mặt bịt kín khẩu trang gồm cả nam và nữ đang đứng nói chuyện rôm rả, thi thoảng lại chỉ tay xuống những chiếc máy đang bốc xúc dưới lòng moong.
Thấy người lạ tiếp cận, một người đàn ông đội mũ lưỡi trai màu đen, khoác trên mình bộ quần áo đồng phục như bảo vệ liền hỏi chúng tôi: “Thanh niên đâu đến đây thế, cứ tưởng giám đốc đến đuổi bọn tao.” Nghe chúng tôi giới thiệu là sinh viên đi chơi. Một người dân trong nhóm nói tiếp: “Lên trên bãi thải mà chơi, cứ đi như giám đốc ấy, rồi rút máy ra bảo nhà báo thì họ sợ cho phỏng vấn ngay mà.”
Sau đó, chúng tôi đã hòa mình vào đội quân mót than để nghe họ trò chuyện và cùng quan sát những chiếc máy xúc, xe chở than đang miệt mài làm việc dưới lòng moong. Được một lúc, bỗng các phu than tản ra, chỉ còn một người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ ngồi lại. Ông đang chăm chú hướng ánh mắt xuống đáy moong quan sát hoạt động khai thác và đoàn xe vận chuyển than, đất đá. Thỉnh thoảng ông lại liếc mắt sang chúng tôi thở dài: “Hôm nay mõm rồi, không có xe nào lên cả.”
Qua trao đổi, chúng tôi mới biết người đàn ông đó được xếp vào nhóm “người có chuyên môn,” có nhiệm vụ quan sát moong, khi nào thấy máy xúc than lẫn vào đá thải để đưa lên bãi thải sẽ tín hiệu cho đội quân chờ sẵn phía dưới, ngay lập tức các phu than phóng xe lên bãi thải để mót “vàng đen.”
Khi thấy đội quân mót than di chuyển, chúng tôi cũng nhanh chóng đi theo nhưng đi được một đoạn thì bị bảo vệ mỏ đuổi theo cản lại chỉ cho dân mót than lên bãi thải. Và chẳng bao lâu, những chiếc xe máy vừa lên quay xuống chở trên đó là những bao tải chất đầy than cục nối đuôi về các điểm tập kết.
“Lúc đổ nhiều thì không tính được, cứ đóng bao lăn xuống thôi, dĩ nhiên cần phải thông đồng bảo vệ, thợ máy xúc và ca gác. Than được xúc lẫn lộn cùng đá để đưa lên bãi,” một người đi “mót” than tiết lộ.
Để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi tạm rút lui. Ngày hôm sau tiếp tục trở lại mỏ than Khánh Hòa, nhưng lần này chúng tôi chuyển sang vai người đi tìm mua than lậu về đốt gạch. Bước vào căn phòng giao ca của bảo vệ mỏ Khánh Hòa, chúng tôi lại gặp người bảo vệ ngồi “tâm sự” với đội quân mót than hôm trước, đang ngồi cùng trà lá với 2 bảo vệ khác, cách đó chừng 100 m, trạm bảo vệ bỏ trống.
Khi nghe chúng tôi nói sợ than trôi nổi giá cao, sản phẩm không chất lượng nên muốn vào công ty hỏi mua cho có giấy tờ hợp pháp thì một bảo vệ tên Th., cắt lời: giá chung cả thôi, vô mỏ mà mua có cân, có phiếu, muốn than cám than cục gì cũng có hết, mang ra khỏi trạm thoải mái…”
“Đừng mua than ở ngoài, không cẩn thận họ độn đá vào thì chết, ở trong mỏ giá đắt hơn nhưng chất lượng tốt hơn. Than bọn anh lấy lên, mỏ lấy mẫu rồi mang đi thử đủ nhiệt, đủ lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ở ngoài thì rẻ hơn, họ bán một tấn thì kiểu nào cũng có 3 tạ đá. Than củ chỉ mua của mỏ là tốt, mười hòn như mười luôn,” ông Th., nói thêm thêm.
Tuy nhiên khi thấy chúng tôi phân trần làm nhiều lò gạch, cần mua số lượng than lớn nên lăn tăn chi phí thì ông Th., lại quay ngoắt 180 độ: “Tôi có người em rể tên T., có cả than cám và than củ, nó dễ bán hơn, chứ ở mỏ thì than 6a, 6b không bán ra ngoài mà toàn để cho nhà máy nhiệt điện.”
Sau đó ông Th., cho số điện thoại và dặn “cứ tham khảo vì nó là doanh nghiệp ngoài, nó lấy than ở đây (ở mỏ-PV) và các nơi. Em rể mình trước làm Giám đốc mỏ Bá Sơn. Nó không làm nhỏ mà làm rất to. Than thổ phỉ thì cũng qua chúng nó nên mình không sợ. Ông ấy cầm cái ở các nhà máy gạch tuy nen và nhà máy của trại giam Phú Sơn… mấy chục năm nay rồi. Qua chúng nó thì rẻ hơn ở mỏ.”
Cấm bán vẫn có thể “ưu tiên”
Để có thêm kênh “hàng” từ phía mỏ, chúng tôi ngỏ ý muốn vào mỏ để tham khảo giá cả, cách mua bán, vận chuyển … một mặt ông Th., sốt sắng chỉ đường đồng thời lấy xe máy vào trước để nói chuyện hộ với bảo vệ trạm cân.
Đến nơi, chúng tôi được giới thiệu gặp N., người phụ trách tại trạm bán hàng của Công ty Kinh doanh than Bắc Thái, chi nhánh Thái Nguyên, thuộc TKV. Tại đây, N., cho chúng tôi xem bảng giá rồi “chào hàng” về các chủng loại, những loại than nào chỉ được khai thác phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, loại nào có thể “tuồn” ra ngoài.
“Bây giờ bọn em có mỗi hai chủng loại, một là cám 7 và 6b, nếu lấy nhiều bọn em sẽ làm hợp đồng lớn làm cả lô luôn về lâu về dài, chứ giá không thay đổi. Vừa rồi chúng em đến 20/11 mới kết thúc chương trình khuyến mãi cho khách hàng, giờ thì không còn chương trình gì nữa,” N., giới thiệu, rồi cho biết than hiện nay ngày một hiếm, phải nhập than từ nước ngoài về, nên giá cả không ổn định.
“Ngay công ty em, Cảng ở Đa Phúc cũng phải nhập từ nước ngoài về, nếu bên em nhập mà không khai thác nữa thì cũng hiếm than. Hiện giờ bên em chỉ có cám 7, sang đầu năm có 7a, 7b và 6b, than cục thì bọn anh không dùng được vì giá tới 2,1 triệu/tấn. Ở đây chỉ có mỗi than của mỏ Bá Sơn, Núi Hồng, Khánh Hòa, Núi Hồng. Bọn em có cám 4 và cám 7b, chỉ dùng trộn với than Quảng Ninh dùng làm xi măng, đốt gạch là chính,” N., chia sẻ thêm.
Vẫn theo N., các chủng loại than ở Thái Nguyên thì chẳng than ở nơi nào đẹp và chất lượng cũng như đảm bảo về nguồn cung như ở mỏ Khánh Hòa. Còn những nơi khác thì hay nhập than linh tinh về trộn lẫn với nhau. “Những ngày cuối tháng 12/2018, trung bình mỗi ngày phía công ty giao cho nhà máy nhiệt điện từ 3-5 nghìn tấn. Ngoài ra, bên em vừa rồi bán cho công ty Hùng Cường mỗi tháng 800 tấn, họ lấy làm xi măng, còn gạch họ lấy 400 tấn nữa,” N., nói.
Khi chúng tôi đề cập đến việc cần nguồn hàng lớn, N., gợi ý: “Sang đầu năm chắc chắn chúng em sẽ có nhiều loại, cuối năm bọn em không có nhiều, đầu năm kế hoạch nhiều than mới lên nhiều. Than thì lấy ra từ mỏ, than nguyên khai lấy từ lòng đất lên, còn các công ty gần mỏ than Phấn Mễ họ lấy than linh tinh về rồi chế biến và bán. Hiện tại, ở đây còn than 6b nhưng lượng không đẹp bằng than ra giêng lấy.”
“Hiện còn cám 7a, 7c. Cám 7b rẻ hơn 7c, bên em không bán ra ngoài mà chỉ dùng cho nhà máy xi măng, nhiệt 7c khoảng 2.950 để cho nhà máy nhiệt điện. Chủng loại 7b không bán ra ngoài, đây là giá của Tập đoàn. Nếu khách lấy một hai chuyến vẫn có thể lấy, ví dụ trường hợp này là những trường hợp ưu tiên,” N., chia sẻ thêm./.
Lần theo những tiết lộ động trời của các phu than về việc “ăn dơ,” thông đồng giữa bảo vệ với người mót than, nhóm phóng viên đã tiếp cận được rất nhiều xe tải chở than từ các điểm tập kết “vàng đen” quanh mỏ than Khánh Hòa để đưa đi tiêu thụ tại các nhà máy gạch, bệnh viện, trang trại chăn nuôi… Hoạt động mua bán, vận chuyển than tại đây diễn ra công khai, nên cũng chẳng cần đến hóa đơn chứng từ. Thậm chí, có trường hợp trưởng thôn còn vỗ ngực khoe rằng: “Hàng của tôi là vô biên, hai bãi than làm mười năm nay chưa hết.”
Mời độc giả đón đọc Bài 2: ‘Tuồn’ lậu cả ngàn tấn than mỗi tháng bằng ‘xuất ngoại giao’
Nhóm PV (Vietnam+)
Theo: Viet Nam Plus