Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tội phạm mạng đã gia tăng hoạt động nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi…
Một buổi sáng, bà L. (trú TP. Nha Trang) nhận được tin nhắn của một người cháu đang định cư ở Mỹ qua ứng dụng Messenger. Sau khi hỏi thăm qua lại, người cháu thông tin cho bà L. biết, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, thất nghiệp, không có tiền gửi về cho người thân ở quê nhà Việt Nam và ngỏ ý mượn tiền của bà. Tuy đã cảnh giác nhưng bà L. vẫn bị sập bẫy từ kẻ lừa đảo với thủ đoạn mới rất tinh vi. Cụ thể, theo trình bày của bà L., nghi ngờ kẻ xấu đánh cắp mật khẩu và chiếm quyền truy cập ứng dụng Messenger, vì thế bà đã yêu cầu người cháu gọi lại qua ứng dụng để thấy được hình ảnh, khi đó mới chuyển tiền. Khi đã chắc chắn hình ảnh trên là của cháu họ, bà L. mới chuyển tiền.
Thế nhưng, sau khi nhận được tiền, “người cháu” lập tức cắt đứt liên lạc. Sinh nghi, bà L. dò hỏi họ hàng của người cháu thì mới biết người này đã bị kẻ xấu đánh cắp mất mật khẩu Facebook và dùng những hình ảnh đã được lưu trong tài khoản cá nhân này để tiến hành hoạt động lừa đảo. “Nhìn thấy hình ảnh của đứa cháu, lúc đó tôi không hề nghĩ rằng tội phạm có thể sử dụng clip đã lưu trước đó, rồi dàn dựng cuộc gọi được truyền hình trực tiếp trên Messenger. Đây là thủ đoạn hết sức tinh vi của các đối tượng”, bà L. kể.
Theo cán bộ điều tra Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an TP. Nha Trang, từ clip được lưu giữ trong ứng dụng Messenger, Facebook, kẻ xấu tiến hành biên tập lại đoạn clip và mở trên một thiết bị điện tử để tiến hành một cuộc gọi trực tiếp. Trước đây, nhiều người chỉ cần nhắn tin đã có thể bị lừa đảo. Thủ đoạn này đã được người dân cảnh giác nên rất ít khi bị lừa, vì thế tội phạm đã chuyển sang một hình thức tinh vi hơn.
Cũng theo Công an TP. Nha Trang, tội phạm thường nhắm đến những tài khoản chỉ được bảo mật với một lớp mật khẩu. Cụ thể, nhiều người sợ quên mật khẩu nên chỉ đặt cụm mật khẩu bằng một dãy số từ 1 đến 8. Chính từ việc thiết lập bảo mật bằng lớp dãy số đơn giản này, người sử dụng mạng xã hội như Facebook rất dễ bị đánh cắp mất quyền truy cập tài khoản cá nhân. Vì thế, để tránh trường hợp bị đánh cắp mật khẩu, người sử dụng cần thiết lập bảo mật 2 lớp bằng cách thiết lập cụm mật khẩu bao gồm cả chữ thường, chữ hoa và số, đồng thời thiết lập quyền truy cập tài khoản cá nhân thông qua số điện thoại hoặc địa chỉ email của chính người đó. Việc thiết lập bảo mật 2 lớp sẽ giúp tài khoản mạng xã hội của bạn được an toàn.
Thượng tá Nguyễn Đức Thành – Phó Trưởng Công an TP. Nha Trang cho biết, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tội phạm công nghệ cao đã gia tăng các hoạt động để lừa đảo, hòng chiếm đoạt tài sản của người dân. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn liên tiếp ghi nhận các vụ lừa đảo qua mạng xã hội như Facebook hay Zalo với số tiền lớn. Qua các vụ việc có thể thấy, tội phạm mạng rất tinh vi trong việc dẫn dụ những người thường liên lạc qua các ứng dụng mạng xã hội, từ đó mới tiến hành các phi vụ lừa đảo. Ngay sau khi nhận được tiền, chúng sẽ tiến hành chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhau và rút sạch. Thủ đoạn này của tội phạm đã gây khó khăn cho công tác điều tra, phá án.
Thành Long
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202105/them-thu-doan-lua-dao-qua-mang-xa-hoi-8216447/