Cuối năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố thêm 2 loại thuốc mới dành cho những người muốn cai thuốc lá. Việc có thêm các loại thuốc đã giúp những người nghiện thuốc lá có nhiều cơ hội lựa chọn phương pháp cai nghiện phù hợp.

 Thêm 2 loại thuốc để cai thuốc lá

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Theo WHO, trong số 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá trên toàn cầu, có tới 60% bày tỏ mong muốn bỏ thuốc lá, tuy nhiên chỉ 30% được tiếp cận với các công cụ giúp họ thực hiện thành công. Các phương pháp điều trị y tế an toàn và hiệu quả để giúp người bỏ thuốc lá luôn có sẵn, nhưng không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được. Hai năm một lần, WHO công bố danh sách mẫu các thuốc thiết yếu (EML), với mục đích hướng dẫn cơ quan chức năng của các quốc gia về loại thuốc nên có sẵn trong nước. Tháng 10-2021, WHO đã công bố danh sách các mẫu thuốc mới, trong đó có cập nhật hai loại thuốc để cai thuốc lá là bupropion và varenicline.



Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa tư vấn cho người dân về tác hại của hút thuốc lá.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa tư vấn cho người dân về tác hại của hút thuốc lá.



Bupropion và varenicline là những loại thuốc hoạt động khác biệt với liệu pháp thay thế nicotine – chất gây nghiện có trong thuốc lá. Các loại thuốc mới làm giảm cảm giác thèm nicotine mà không cung cấp chất thay thế nicotine, do đó, hỗ trợ mọi người cai thuốc lá và giảm sự phụ thuộc vào nicotine. Các chuyên gia cho hay, bupropion và varenicline đều được chứng minh là những cách cai thuốc lá an toàn và hiệu quả. Trước đó, để ngừng sử dụng thuốc lá, liệu pháp thay thế nicotine được coi là một loại thuốc cần thiết. Liệu pháp này hoạt động bằng cách cung cấp nicotine dưới dạng thay thế như kẹo cao su hoặc miếng dán trong một thời gian giới hạn, giúp giảm các triệu chứng cai nicotine.


Sau khi WHO cập nhật hai loại thuốc mới cho thấy một sự thay đổi mạnh mẽ trong cuộc chiến chống lại thuốc lá. Việc bổ sung các loại thuốc mới này là một tín hiệu cho các cơ quan chức năng của các quốc gia, các chuyên gia y tế công cộng, bác sĩ và người dân có thể lựa chọn bổ sung các biện pháp cai nghiện thuốc lá phù hợp.

Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe


Sử dụng thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm do các hậu quả về sức khỏe như: các bệnh tim mạch, rối loạn phổi, ung thư, tiểu đường và nhiều bệnh suy nhược khác. Việc hút thuốc lá còn làm suy giảm kinh tế cá nhân, đặc biệt là khi gia tăng căng thẳng về kinh tế và xã hội do đại dịch Covid-19 gây ra.

WHO khuyến khích mọi người từ bỏ thuốc lá và chỉ ra những lợi ích mang lại gần như ngay lập tức của việc bỏ thuốc lá. Cụ thể, chỉ sau 20 phút bỏ thuốc lá, nhịp tim của bạn sẽ giảm xuống. Trong vòng 12 giờ, nồng độ carbon monoxide trong máu của bạn giảm xuống mức bình thường. Trong vòng 2-12 tuần, tuần hoàn của bạn được cải thiện và chức năng phổi tăng lên. Trong vòng 1-9 tháng, ho và khó thở giảm dần. Trong vòng 5-15 năm, nguy cơ đột quỵ của bạn giảm xuống như nguy cơ của người không hút thuốc. Trong vòng 10 năm, tỷ lệ tử vong do ung thư phổi của bạn chỉ bằng một nửa so với một người hút thuốc. Trong vòng 15 năm, nguy cơ mắc bệnh tim của bạn như nguy cơ mắc bệnh tim của người không hút thuốc.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thực hiện công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, nhiều năm qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp và thu được những kết quả tích cực. Trong đó, đã xây dựng được cơ quan, đơn vị không khói thuốc lá; công chức, viên chức tại đơn vị cam kết không hút thuốc lá trong khuôn viên đơn vị; đưa hoạt động này vào thi đua hàng năm. Đồng thời, treo biển cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, cơ sở y tế, trường học, khách sạn, nhà hàng và các địa điểm công cộng trong nhà khác theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động quảng cáo, kinh doanh các sản phẩm thuốc lá bất hợp pháp. Ngoài ra, ngành Y tế còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi diễn văn nghệ và nói chuyện chuyên đề về tác hại thuốc lá cho học sinh, sinh viên ở các trường THPT và đại học trên địa bàn tỉnh…


C.Đan  

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202207/them-lua-chon-cho-nguoi-muon-cai-thuoc-la-8256926/