Chỉ trong vòng một tháng, giá điện, giá xăng liên tục tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).
Tiền điện tăng cả tỷ đồng
Ngay trong tháng đầu tiên thực hiện giá điện mới, đa phần các DN có mức tiêu thụ điện năng lớn như: Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin, Xi măng Hà Tiên, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Tổng Công ty Khánh Việt và một số đơn vị kinh doanh du lịch đều có mức thanh toán chênh lệch rất cao so với giá điện cũ. Đáng chú ý, có DN chuyên về đóng tàu, tiền điện tháng 4 đã tăng hơn tháng 3 gần 1,7 tỷ đồng.
Theo các DN, từ năm 2010 tới nay, đã có 8 đợt tăng giá điện, mà mỗi lần giá điện tăng lại gây thêm khó khăn cho DN khi giá thành sản phẩm tăng theo. Đặc biệt, trong bối cảnh các DN đang cạnh tranh gay gắt, việc tăng giá sản phẩm sẽ khiến DN mất khách hàng. Ông Võ Đình Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, với lần tăng giá điện này, đơn giá mua điện bình quân của công ty tăng tương đương 7,58%; chi phí tiền điện phải trả của công ty sẽ tăng từ 350 triệu đồng lên 450 triệu đồng mỗi tháng. “Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất của các DN. Bởi đa số các đơn hàng được ký kết từ đầu năm, lúc đó, giá điện mới chưa được tính đến. Nay áp theo giá điện mới, các DN sẽ phải chịu thiệt”, ông Hùng nói.
Điện tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến DN mà người dân cũng chịu nhiều áp lực khi chi phí sinh hoạt tăng theo. Với khung giá mới và cách tính lũy tiến, hầu như hóa đơn tiền điện tháng 4 của các gia đình đều tăng từ 20 đến 90%. Nhiều gia đình lo lắng khi giá điện tăng, ngoài chi phí cho hóa đơn tiền điện hàng tháng “phình” to, người dân còn phải chi nhiều hơn cho sinh hoạt vì giá thực phẩm, hàng hóa cũng sẽ tăng theo giá điện. Bà Trần Thị Thảo (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) cho biết: “Tháng 3, gia đình tôi dùng 290kWh, phải trả 674.000 đồng tiền điện. Sang tháng 4, chỉ số điện sử dụng tăng thêm khoảng 160kWh nhưng số tiền gia đình phải đóng lên tới gần 1,2 triệu đồng. Chi phí này rất cao so với thu nhập của gia đình”.
Doanh nghiệp vận tải lo lắng
Điện vừa tăng giá tháng 3 thì đến tháng 4, xăng dầu tiếp tục tăng theo. Giá xăng RON 95 từ 18.540 đồng nay tăng lên 22.190 đồng/lít. Hiện nay, xăng RON 92 cũng có giá 20.688 đồng/lít, dầu diesel có mức giá mới là 17.695 đồng, dầu hỏa 16.625 đồng/lít. Việc giá xăng dầu tăng khiến các DN vận tải gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Trần Chí Tài – Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cúc Tùng, việc xăng tăng giá liên tiếp khiến DN vô cùng khó khăn. Nếu như trước đây, giá xăng chỉ hơn 16.000 đồng/lít, xe chạy tuyến Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh, trừ chi phí DN còn lại gần 2 triệu đồng, hiện nay chi phí tăng cao nên nhà xe không còn lời. “Dù rất muốn tăng giá vé để phù hợp với giá xăng dầu nhưng nếu tăng thì quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng; trong hoàn cảnh lượng khách giảm mà tăng giá vé nữa có khi không ai đi xe. Chúng tôi rất mong Nhà nước vào cuộc điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với tình hình thực tế”, ông Tài nói.
Đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh tại Nha Trang cho biết, từ năm 2016 đến nay, dù nhiều lần tăng giá xăng dầu nhưng DN vẫn không điều chỉnh tăng giá taxi để bảo vệ quyền lợi khách hàng cũng như tăng sức cạnh tranh với các đơn vị hoạt động cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng tăng 3 lần liên tiếp khiến tài xế giảm sút thu nhập. Đơn vị đang cân nhắc điều chỉnh tăng giá cước để phù hợp với tình hình hiện tại.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các DN vận tải. Hiện nay, giá vé của các DN được sở quản lý chặt chẽ, việc tăng giá phải có sự đồng ý của sở. Đến thời điểm này, sở chưa nhận được yêu cầu nào từ phía đơn vị kinh doanh về việc tăng giá vé các loại hình vận tải hành khách.
Đình Lâm – Mạnh Hùng
Theo: Báo Khánh Hòa