Năm nay, chính sách thu mua, vận chuyển mía, hỗ trợ, trả tiền của các công ty đường trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi khiến nông dân gặp khó.
Nỗi lòng người trồng mía
Trở lại các vùng trồng mía những ngày cuối vụ, việc thu hoạch đã gần xong nhưng đây đó râm ran về một vụ mía buồn. Ông K. (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) cho biết: “Chưa có vụ nào nông dân khổ như vụ này. Có lịch chặt rồi nhưng người dân phải tự kiếm xe chở mía. Tuy Công ty Cổ phần Đường Việt Nam có tính toán trả lại tiền vận chuyển nhưng còn nhiều thứ khác như: thuê xe, tiền bồi dưỡng tài xế, công chặt… Đó là chưa kể vụ mía thất bát do bão, sản lượng kém, giá mua thấp, tiền bán mía không đủ chi phí”. Không dám đăng ký sản lượng với công ty, ông K. đành tìm thương lái để bán nhưng gọi mãi không ai mua. Cách đây 10 ngày, ông mới giải quyết được 1ha mía nhưng sản lượng chỉ đạt 40 tấn.
Trăn trở của người trồng mía không chỉ là phương thức thu mua bất lợi, mà còn cách đánh giá chữ đường (CCS) của Công ty Cổ phần Đường Việt Nam. Ông T. (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Nông dân đâu biết CCS trong cây mía là bao nhiêu, nhưng nếu không đạt thì không được nhận tiền hỗ trợ. Ví dụ, đăng ký 100 tấn mía, nhà máy tính là 1.000CCS (10CCS/tấn). Nông dân nhập đủ 100 tấn, nhưng nếu chỉ đạt 9 CCS/tấn, tức là thiếu 100CCS, đương nhiên nông dân không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, công ty quy định phải sau 15 ngày nhập mía mới thanh toán tiền. Cách làm này khiến người trồng mía gặp khó khăn hơn, bởi bao nhiêu khoản phải chi”.
Mới đây, tại buổi làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Hoa – Chủ tịch UBND xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) cho biết: Cách thu mua của các nhà máy đường khiến tiến độ thu mua mía bị chậm, người dân bức xúc. Nhà máy chậm trả tiền, người dân phải tự liên hệ xe chở mía, có khi tài xế gây phiền hà… Cách làm này đã làm khó cho nông dân, có trường hợp phải mất 5 – 7 ngày, thậm chí 10 ngày mía mới được chở, dẫn tới nguy cơ cháy cao.
Kết thúc niên vụ trước ngày 13-6
Ông Đỗ Thành Liêm – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Đường Việt Nam cho biết, hiện nay, việc áp dụng phương thức thu mua mía tại nhà máy (người dân phải lo khâu vận chuyển) có ưu điểm là phát huy vai trò chủ động của nông dân trong việc thu hoạch, vận chuyển mía (quyền lựa chọn xe, tài xế theo cơ chế thị trường), không trả tiền thuế vận chuyển, đồng thời công ty cũng tránh được những phiền hà đáng tiếc. Về CCS, công ty chỉ có chính sách hỗ trợ thu hoạch dựa trên việc đăng ký bằng CCS. Nếu nông dân đảm bảo số CCS, công ty sẽ hỗ trợ công thu hoạch 30.000 đồng/tấn đối với mía đổ ngã 70 – 100%, đổ ngã ít hơn hỗ trợ tỷ lệ ít hơn, nếu không đủ CCS thì không được hỗ trợ. Cách làm này nhằm khuyến khích nông dân quan tâm trồng và chăm sóc mía đạt chất lượng.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), niên vụ mía 2017 – 2018, toàn tỉnh sản xuất hơn 18.000ha mía. Đến ngày 15-5, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa – Ninh Hòa thu mua 391.000 tấn mía, chiếm 90% sản lượng công ty ký kết hợp đồng. Giá thu mua bình quân 800.000 đồng/tấn mía 10CCS. Công ty có các chính sách như: hỗ trợ mía giống, chăm sóc mía nguyên liệu, bảo hiểm 20 ngày đầu vụ 8,5CCS, 20 ngày cuối vụ 8,5CCS và hỗ trợ 20.000 đồng/tấn mía, hỗ trợ 100% phí vận chuyển, bốc xếp… Dự kiến đến ngày 10-6 kết thúc sản xuất niên vụ 2017 – 2018.
Công ty Cổ phần Đường Việt Nam mua được 221.845 tấn mía, chiếm 62% sản lượng mía công ty ký hợp đồng với nông dân trong tỉnh. Giá mua mía bình quân 800.000 đồng/tấn mía 10CCS, đồng thời có chính sách hỗ trợ như: đầu tư lãi suất ưu đãi các khoản vay ngắn hạn của Ngân hàng NN-PTNT cho khoản vay về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền mặt, hỗ trợ thiệt hại diện tích mía do bão 30.000 đồng/tấn, hỗ trợ chi phí bốc xếp, vận chuyển… Dự kiến, công ty sẽ thu mua hết mía trước ngày 13-6.
Sở NN-PTNT nhận định, giá mua nguyên liệu niên vụ mía 2017 – 2018 thấp hơn niên vụ trước khoảng 100.000 đồng/tấn. Nguyên nhân là do hiệp định thương mại hàng hóa từ năm 2018, thuế nhập khẩu đường từ 30% giảm còn 5%. Giá đường thị trường giảm mạnh nên giá thu mua của 2 công ty đường giảm theo. Để bình ổn sản xuất mía đường niên vụ 2017 – 2018 và các niên vụ tiếp theo, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thống kê chính xác lượng mía nguyên liệu chưa thu hoạch, rà soát các vùng mía năng suất kém để chuyển đổi cây trồng hiệu quả. Bên cạnh đó, xem xét điều khoản hợp đồng của nông dân với nhà máy đường để có ý kiến giúp thuận lợi cho người trồng mía. Mặt khác, các công ty đường đẩy nhanh tiến độ thu mua mía, tăng cường hỗ trợ khâu vận chuyển giúp nông dân. Riêng Công ty Cổ phần Đường Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, phổ biến thông tin tới người trồng mía để có điều chỉnh hợp lý.
V.LẠC
Theo: Báo Khánh Hòa