Để tìm các giải pháp hữu hiệu trong quản lý, khai thác nguồn năng lượng tái tạo, Công ty Truyền tải Điện 3 vừa tổ chức hội thảo quản lý vận hành lưới điện truyền tải với 40 nhà máy điện đóng trên địa bàn Khánh Hòa và các tỉnh lận cận.

Áp lực quá tải nguồn điện

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Với việc ra đời hàng loạt nhà máy điện mặt trời, điện gió trên địa bàn Khánh Hòa và các tỉnh lân cận đã khiến cho phụ tải tại khu vực tăng cao, gây nguy cơ mất an toàn lưới điện và khai thác chưa hiệu quả nguồn năng lượng này. Theo ông Đinh Văn Cường – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 3, đến hết năm 2021, tổng công suất điện năng lượng tái tạo đấu nối vào lưới điện truyền tải công ty quản lý là 4.664MW, chiếm 35% tổng công suất của khu vực. Do tốc độ phát triển nhanh của các nguồn điện mặt trời trong thời gian ngắn đã làm cho một số đường dây 220kV, máy biến áp 220kV khu vực các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng… vận hành đầy tải. Tuy Công ty Truyền tải Điện 3 đã chủ động tính toán, hạn chế tình trạng quá tải nhưng vẫn còn một số đường dây, trạm biến áp vận hành trong tình trạng đầy tải.



Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh.

Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh.



Trong năm 2021, công ty phải bố trí tới 474 lần cắt điện để sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị vào ban đêm nhằm ưu tiên giải tỏa công suất từ các nguồn điện mặt trời. Việc này đã ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân khi phải làm việc trái với giờ sinh học. Bên cạnh đó, với địa hình hành lang lưới điện phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đặc biệt là làm việc trên cao; tăng chi phí quản lý vận hành do khảo sát hiện trường làm đêm, cần máy phát điện di động, hệ thống chiếu sáng tại các vị trí làm việc.


Đối với các chủ đầu tư, việc quá tải liên tục khiến hiệu suất bán điện không như ý muốn. Đặc biệt, trong năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều thời điểm sản lượng điện hòa lưới bị cắt giảm rất sâu, khiến cho việc thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng của các nhà máy điện bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn (thị xã Ninh Hòa) cho biết, nhà máy có vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng với công suất 170MW. Trong hơn 1 năm vận hành, tuy được Công ty Truyền tải Điện 3 hỗ trợ nhiều nhưng do hệ thống lưới bị quá tải nên có những thời điểm nhà máy chỉ phát được 10% công suất lên lưới. Điều này gây bất lợi rất lớn về hiệu quả đầu tư cho các nhà máy điện mặt trời. “Mong rằng thời gian tới, ngành điện tạo điều kiện để các nhà máy được bán hết công suất điện sản xuất. Qua đó, giúp chủ đầu tư sớm thu hồi vốn và không để lãng phí năng lượng”, ông Trung kiến nghị.

Cần sự phối hợp giữa các bên


Ông Vũ Xuân Khu – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, thời gian qua, công tác vận hành hệ thống điện, nhất là truyền tải cơ bản tốt. Đặc biệt, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các nhà máy năng lượng tái tạo được nghiệm thu, đóng điện và vận hành trong thời gian ngắn nhưng vẫn bảo đảm an toàn, ổn định, không có sự cố nào xảy ra. Các đơn vị đã tuân thủ đúng quy trình, quy định. Đến nay, năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời đã gây nhiều khó khăn trong công tác vận hành. Cụ thể, có thời điểm nguồn điện mặt trời đạt từ 16.000 đến 17.000MW, nhưng khi tắt nắng (sau 17 giờ) thì nguồn điện này không còn, do đó phải cân đối nguồn điện truyền thống cho dự phòng…



Sửa chữa hệ thống lưới điện truyền tải.

Sửa chữa hệ thống lưới điện truyền tải.


Để vận hành an toàn, hiệu quả truyền tải điện, ông Vũ Xuân Khu cũng đề nghị các đơn vị cần có sự phối hợp nhịp nhàng trong bảo dưỡng, sửa chữa. Về lưới truyền tải, trong đầu tư, xây dựng, cần quán triệt với các nhà thầu để có phương án thi công tối ưu, đẩy nhanh tiến độ, kể cả làm đêm ở những khu vực có điều kiện để giải tỏa tối đa công suất. Ông Khu đề nghị các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo nghiên cứu, phổ biến các thông tư hướng dẫn về điều độ, sự cố, lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối để giúp việc vận hành ở các nhà máy được thông suốt, bài bản. Ngoài ra, nhiều đại biểu dự hội thảo còn đề xuất phương án liên kết lưới với các khu vực khác, mở rộng lưới truyền tải… Song song với đó là việc đầu tư thiết bị vận hành linh hoạt.


Ông Hồ Công – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải Điện 3 khẳng định, để vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải và khai thác hết công suất sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo thì cần nhiều chính sách vĩ mô từ các cơ quan cao hơn. Tuy nhiên, trước mắt, để có thể hài hòa lợi ích giữa các chủ đầu tư và cơ quan vận hành, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 bên trong quản lý. Đồng thời, các nhà máy cũng phải xây dựng hệ thống vận hành theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đầu tư các thiết bị chất lượng để tránh những sự cố cho hệ thống lưới điện truyền tải chung.


ĐÌNH LÂM

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202202/thao-diem-nghen-cho-nang-luong-tai-tao-8244484/