Tuy UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định cấm đóng mới tàu cá công suất nhỏ (từ 50CV trở xuống), nhưng thực tế tại các địa phương, nhiều cơ sở vẫn tiếp tục đóng mới tàu cá loại này.

Khi chúng tôi đến, ông Huỳnh Lượm – chủ cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền tại thôn Bình Tây, phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa) đang cùng với nhóm thợ hoàn thiện chiếc tàu cá dài 6m, công suất 24CV cho 1 ngư dân trong làng. “Từ đầu năm đến nay, cơ sở của gia đình tôi chỉ nhận được 3 đơn hàng đóng tàu của ngư dân, tất cả đều có công suất nhỏ, dưới 50CV. Riêng tàu sửa chữa thì có cả tàu công suất lớn, công suất nhỏ. Không chỉ gia đình tôi, các cơ sở đóng tàu vỏ gỗ truyền thống ở Ninh Hải đều đóng tàu cá công suất nhỏ, bởi nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh vẫn còn”, ông Lượm cho hay.

Đóng mới tàu cá công suất nhỏ tại phường Ninh Hải.

Đóng mới tàu cá công suất nhỏ tại phường Ninh Hải.

Qua trao đổi với ngư dân và chủ các cơ sở đóng tàu tại Ninh Hải, được biết, tất cả đều nắm bắt được quy định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, việc đóng mới tàu cá công suất dưới 50CV xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. “Không chỉ ngư dân trong phường Ninh Hải mà ngư dân huyện Vạn Ninh và tỉnh Phú Yên cũng tìm đến Ninh Hải để đóng mới các tàu cá công suất nhỏ, hoạt động các nghề khai thác ven bờ. Sở dĩ chúng tôi đóng mới tàu cá loại này là do chi phí thấp, 1 chiếc tàu cá dài 6m, công suất 24CV chỉ mất khoảng 50 triệu đồng, trang bị máy móc, ngư cụ thêm 10 triệu đồng nữa là có thể đi khai thác được. Trong khi đóng tàu công suất lớn chi phí cao; ngoài ra, để tìm được bạn đi tàu cũng không phải dễ đối với ngư dân vùng bãi ngang”, ông Phan Thanh Long – ngư dân Ninh Hải cho hay.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Ông Trần Hải – Chủ tịch UBND phường Ninh Hải cho biết, đa số các tàu cá công suất nhỏ đóng mới đều là tàu vỏ gỗ. Những năm gần đây, số cơ sở đóng tàu vỏ gỗ trên địa bàn phường giảm đến 50%, hiện nay chỉ còn 8 cơ sở. Nhu cầu đóng tàu công suất nhỏ cũng giảm dần, nếu như khoảng năm 2010, toàn phường có gần 400 tàu cá loại nhỏ thì đến nay chỉ còn chưa đến 200 chiếc. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn lợi ven bờ suy giảm, thiếu lao động nghề biển nên người dân tự chuyển đổi nghề nghiệp. Thực hiện Quyết định 05/2014 của UBND tỉnh về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến ngư dân, trong đó có chủ trương không phát triển tàu cá công suất nhỏ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của các cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, để duy trì hoạt động, một số cơ sở vẫn nhận đóng các tàu cá công suất nhỏ.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Bên cạnh việc đóng mới, sửa chữa các tàu thuyền công suất lớn, hiện nay vẫn còn một số cơ sở tiếp tục đóng mới tàu cá công suất nhỏ dưới 50CV.

Ông Trần Văn Cao – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho biết: “Vừa qua, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, UBND thị xã Ninh Hòa tiến hành thanh tra đột xuất một số cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền trên địa bàn thị xã Ninh Hòa. Qua thanh tra đã phát hiện 8 cơ sở vi phạm việc đóng mới tàu cá công suất dưới 50CV. Chúng tôi đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở với số tiền 26 triệu đồng; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy định của UBND tỉnh về việc đóng mới tàu cá công suất nhỏ”.

Theo ông Lê Đình Khiêm – Trưởng phòng Quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá (Chi cục Thủy sản tỉnh), toàn tỉnh hiện có gần 10.000 tàu cá, trong đó có 5.530 chiếc tàu công suất dưới 50CV đã được phân cấp cho cấp huyện quản lý. Đội tàu công suất nhỏ thường hoạt động ven bờ, chưa kể hoạt động những nghề cấm trong các vịnh, đầm khiến cho nguồn lợi thủy sản ven bờ suy kiệt. Việc không phát triển đội tàu công suất nhỏ nhằm bảo vệ, khôi phục nguồn lợi ven bờ trên địa bàn tỉnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để khuyến khích người dân đóng tàu công suất lớn, hiện đại để vươn khơi khai thác, hiện nay, Chi cục Thủy sản tỉnh tiếp tục hỗ trợ ngư dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 67, Nghị định 17 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67… Những năm qua, đội tàu công suất lớn của tỉnh không ngừng phát triển, hiện nay đã có 1.394 tàu công suất từ 90CV trở lên, trong đó có 633 tàu cá công suất lớn chuyên hoạt động ở vùng biển xa.

BÍCH LA

Theo: Báo Khánh Hòa