Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Tập trung khắc phục thiệt hại do bão số 12

Bão số 12 đã làm huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) bị thiệt hại khá lớn. Địa phương đang ưu tiên chăm lo cuộc sống của người dân và khôi phục sản xuất.

Thiệt hại khoảng 54 tỷ đồng


Theo báo cáo, ước tổng thiệt hại do bão số 12 gây ra trên địa bàn huyện Vạn Ninh khoảng 54 tỷ đồng. Toàn huyện có 2 căn nhà bị sập hoàn toàn, 19 nhà bị hư hỏng nặng và hư hỏng một phần, hơn 100 nhà bị tốc mái, hơn 1.000 nhà bị ngập trong nước (từ 1 đến 3m) gây hư hỏng vật dụng trong nhà. Nông nghiệp, thủy sản là những ngành bị thiệt hại nặng. Trong đó, diện tích lúa thiệt hại hơn 663ha; diện tích nuôi cá truyền thống hơn 1,2ha; 2,5 đìa nuôi trồng thủy sản bị hư hại; hơn 550 lồng nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại; 4 chiếc tàu bị chìm và hư hỏng.



Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng địa phương khảo sát thực tế khu vực kênh mương thủy lợi trên địa bàn huyện bị hư hại do bão.



Ngoài ra, bão số 12 đã khiến hơn 8.970m kênh mương bị hư hỏng; hơn 600m bờ bao, đê ngăn mặn bị sạt lở, ảnh hưởng đến diện tích sản xuất của người dân. Cùng với đó, hơn 6.670m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 13 điểm trường bị tốc mái, sập la phông…


Ông Lê Hồng Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, tuy đã chủ động ứng phó nhưng những hậu quả do bão gây ra ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Do mưa lớn, nước lũ dâng cao  gây ngập cục bộ ở nhiều khu dân cư tại các xã: Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Long, Đại Lãnh. Trong đợt cứu hộ bão số 12, địa phương đã huy động nhân lực, vật lực để đưa hàng chục hộ ra khỏi vùng ngập nặng đến nơi an toàn. Trong đó, tại điểm ngập sâu nhất ở xã Vạn Bình, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo cứu hộ 22 hộ với 68 nhân khẩu ra khỏi nơi nguy hiểm.

Tập trung khắc phục hậu quả


Sau bão số 12, UBND huyện đã có văn bản khẩn chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bảo đảm khôi phục giao thông, các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: Điện, nước, thông tin liên lạc, đặc biệt là hỗ trợ đời sống nhân dân, không để trường hợp nào bị đói, không có nhà ở, không để dịch bệnh xảy ra sau lũ.


Theo ông Lê Hồng Phương, hiện nay, các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các công trình hạ tầng, giao thông, thủy lợi, các địa phương, đơn vị đang tiếp tục rà soát, thống kê tình hình thiệt hại, tổng hợp nhu cầu kinh phí, cân đối ngân sách huyện, xã khắc phục. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã nỗ lực cùng với nhân dân tổ chức khắc phục hậu quả bão lũ. Huyện cũng đã chỉ đạo các hợp tác xã nhanh chóng động viên nông dân khôi phục sản xuất cho kịp thời vụ. Đối với những thiệt hại, địa phương sẽ lập biên bản xác nhận và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc hỗ trợ cho người dân. Đại diện của huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khảo sát, kiểm tra thực tế các khu vực có công trình thủy lợi bị hư hại để nhanh chóng khắc phục, bảo đảm sản xuất cho người dân. Những thiệt hại về nuôi trồng thủy sản cũng được người dân thông báo đến chính quyền, có xác nhận và huyện đang làm tờ trình xin ý kiến UBND tỉnh xem xét có thuộc diện được hỗ trợ hay không.


Thành Nam

Theo: Báo Khánh Hòa ( https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202011/tap-trung-khac-phuc-thiet-hai-do-bao-so-12-8194745/ )

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202011/tap-trung-khac-phuc-thiet-hai-do-bao-so-12-8194745/