Hiện nay, khu vực cộng đồng ASEAN và nhiều điểm trên thế giới đang đối mặt với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gà, Zika, Ebola, MERS-CoV, Cúm A/H7N9, Cúm A/H5N1 và tình trạng kháng kháng sinh… Hàng loạt dịch bệnh truyền nhiễm tái nổi sau khi nhiều năm vắng bóng.
Trong cuộc chiến chống lại các dịch bệnh truyền nhiễm, một quốc gia không thể đơn độc triển khai việc phòng chống và điều trị bệnh. Theo nhiều chuyên gia, trung bình một dịch bệnh truyền nhiễm chỉ mất 36 tiếng để lây lan từ một xã tới thành phố và từ đó lan rộng sang các quốc gia khác.
[Đề xuất bảo hiểm y tế “gỡ khó” cho bệnh nhân chữa viêm gan C]
Theo các chuyên gia về y tế, để đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an ninh quốc gia và khu vực, ngành y tế cần có kiến thức và nguồn lực để phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị cũng như dự phòng khi bệnh mới chỉ bắt đầu.
Việc xây dựng năng lực cho các bác sỹ lâm sàng truyền nhiễm và cho hệ thống y tế để thích ứng với tình hình trong bối cảnh an ninh y tế toàn cầu là yêu cầu cần thiết và là một chủ đề trọng tâm của Hội nghị Khoa học Quốc gia về bệnh Truyền Nhiễm, HIV/AIDS và Hội nghị ASEAN lần thứ 8 về bệnh Nhiệt đới và Ký sinh Trùng 2018 tại Nha Trang, Việt Nam từ 26-29/7.
Tham dự hội thảo có đại diện Tạp chí Y khoa Anh quốc – bà Wroczynski Mitali – Trưởng ban Đối tác Chiến lược sẽ giới thiệu công cụ đào tạo của Tạp chí giúp nâng cao năng lực cho các bác sỹ lâm sàng tại Việt Nam.
Đây là một công cụ rất hữu ích cho các bác sỹ lâm sàng và đã được triển khai áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Thông qua những công cụ này, các bác sỹ có thể cập nhật những thông tin mới nhất và các phương pháp để họ có thể chuẩn đoán, ra phác đồ điều trị và phòng ngừa lây lan của các bệnh truyền nhiễm.
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả, sự tác động của những công cụ này trong công khác khám chữa bệnh, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Mitali Wroczynski Trưởng ban Đối tác Chiến lược, Chương trình Sức khỏe Toàn cầu và An ninh Y tế Toàn cầu, Tạp chí Y khoa Anh quốc (British Medical Journal) để có cái nhìn tổng quan hơn.
Việt Nam không tránh khỏi nhiều dịch bệnh
– Ý kiến của bà như thế nào về mô hình bệnh tật, nhất là các bệnh truyền nhiễm ở trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay?
Bà Mitali Wroczynski: Khu vực Đông Nam Á nhiều quốc gia và dân số rất đông. Hiện nay nền kinh tế của khu vực Đông Nam Á đã được cải thiện rất nhiều, giao lưu thông thương giữa các nước trong khu vực rất dễ dàng. Đây cũng là khu vực năng động, chính vì vậy, nguy cơ lây truyền bệnh truyền nhiễm ở khu vực này rất lớn.
Việt Nam là nước cũng bị ảnh hưởng bởi nguy cơ bệnh truyền nhiễm lan truyền rộng rãi, kèm theo các yếu tố về mặt môi trường như biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, dân số tăng nhanh dẫn tới nguy cơ bệnh truyền nhiễm lan rộng hơn. Chẳng hạn như dịch SARS năm 2003 và cúm H5N1 xảy ra trong thời gian gần đây có nguy cơ lây lan rất nhanh qua đường hàng không và Việt Nam cũng không tránh khỏi dịch bệnh này.
– Bà đánh giá như thế nào công tác dự phòng, ứng phó với bệnh truyền nhiễm của Việt Nam hiện nay?
Bà Mitali Wroczynski: Trong công tác phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, đặc biệt để giảm được tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong, ngành y tế luôn luôn phải chuẩn bị trước vì dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào và chúng ta phải chuẩn bị cho các bác sỹ.
Các bác sỹ cần phải được tập huấn, được đào tạo thường xuyên để luôn cập nhật các kiến thức thường xuyên, cũng như việc luôn tìm được nguồn thông tin đáng tin cậy để có các thông tin trước nếu như dịch bệnh có thể xảy ra. Như vậy, hệ thống y tế mới có thể thích ứng được nếu có dịch bệnh xảy ra.
Hai công cụ “bỏ túi”
– Bà có thể giới thiệu rõ hơn về công cụ đào tạo của Tạp chí giúp nâng cao năng lực cho các bác sỹ lâm sàng được Tạp chí đẩy mạnh, triển khai trong thời gian tới tại Việt Nam?
Bà Mitali Wroczynski: Tạp chí Y khoa Anh Quốc (British Medical Journal) triển khai Sáng kiến Hỗ trợ Quyết định Lâm sàng (Clinical Decision Support Training Initiative) gồm hai công cụ để hỗ trợ cho các bác sỹ lâm sàng trong chẩn đoán điều trị nhiều loại bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm. Đó là BMJ Best Practice (Thực hành tốt nhất), BMJ Learning (học tập trực tuyến).
BMJ Best Practice hỗ trợ cho bác sỹ ngay trong quá trình khám chữa bệnh và có hơn 1.000 chủ đề thực hành tốt nhất. Các bác sỹ có thể sử dụng trên nền tảng web hoặc sử dụng bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các chủ đề đó đều được bám sát tình huống trên lâm sàng, dựa vào những tình huống thực tế và được các chuyên gia quốc tế đã bình duyệt và có tài liệu tham khảo đáng tin cậy.
Các bác sỹ có thể sử dụng công cụ đó giúp cho việc cải thiện việc chẩn đoán và điều trị trên lâm sàng. Công cụ này cũng đã được 2 giải thưởng quốc tế ở Anh về ứng dụng trên thiết bị di động tốt nhất và công cụ tiếp cận toàn cầu tốt nhất cho các cán bộ y tế.
BMJ Learning có hơn 800 chủ đề học trực tuyến. Cả hai công cụ này đều bao phủ 95% tình trạng bệnh lý thường gặp trên lâm sàng. Trên BMJ Learning các bác sỹ có thể tự học theo từng chủ đề bệnh, qua đó tự cải thiện kiến thức của mình thông qua quá trình tự học đó để giúp cải thiện kiến thức, kỹ năng và năng lực chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị kịp thời hiệu quả cho bệnh nhân và dự phòng sự lây lan các bệnh truyền nhiễm.
– Bà có thể cho biết, hai công cụ này đã được ứng dụng tại nhiều nước trên thế giới chưa?
Bà Mitali Wroczynski: Hiện nay BMJ đã triển khai ứng dụng hai công cụ này ở hơn 80 quốc gia trên thế giới và 85% người sử dụng đều đánh giá về giá trị tác động rất tốt của hai công cụ này trong công việc chuyên môn của họ.
Hy vọng khi hai công cụ này được triển khai ở Việt Nam rộng rãi trong thời gian sắp tới, chúng tôi mong nhận được phản hồi từ người dùng về công cụ này.
Trong phạm vi của Sáng kiến Hỗ trợ Quyết định Lâm sàng này, các bác sỹ của Việt Nam được truy cập miễn phí cả 2 công cụ này tới tháng 6/2019 với tổng số 3.000 giấy phép.
Ưu tiên xây dựng hệ thống y tế thích ứng
– Theo bà, kinh nghiệm của các nước trên thế giới hay những nghiên cứu cho thấy, với công tác phát hiện, chuẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh truyền nhiễm cần có những ưu tiên nào?
Bà Mitali Wroczynski: Để công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả, ưu tiên cho Việt Nam cũng giống với sự ưu tiên của các nước khác trên thế giới đó là làm sao xây dựng được hệ thống y tế thích ứng, ứng phó được nếu dịch bệnh xảy ra.
Điều đó có nghĩa, hệ thống đó phải có hạ tầng cơ sở đủ tốt, có đủ cán bộ y tế chất lượng, đầy đủ năng lực và cơ số thuốc đầy đủ để dự phòng. Đặc biệt các bác sỹ cần phải được đào tạo liên tục, cập nhật các kiến thức mới nhất cũng như biết nơi nào cần tìm thông tin khi dịch bệnh xảy ra khi cần.
Để dự phòng các bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra BMJ cũng đang triển khai cách tiếp cận theo Một sức khỏe (One Health) – tiếp cận đa ngành, không chỉ ngành y tế mà bao gồm cả ngành nông nghiệp, môi trường. Sự vào cuộc của đa ngành để làm sao đảm bảo có thệ thống giám sát dịch tễ nói chung, kể cả trên động vật và trên người tốt, cũng như hệ thống dữ liệu tốt để chia sẻ, các hệ thống phòng xét nghiệm đủ năng lực phát hiện, cán bộ y tế và nông nghiệp được đào tạo có đủ năng lực. Bản thân ngành nông nghiệp cũng cần có thực hành vệ sinh tốt đảm bảo dịch bệnh không lây lan từ động vật sang người.
Như chúng ta biết, hiện nay có nhiều dịch bệnh lây lan từ động vật sang người. Chẳng hạn như cúm gà, Ebola (lây từ động vật hoang dã sang người).
– Công cụ đào tạo của Tạp chí giúp nâng cao năng lực cho các bác sỹ lâm sàng này đã được thẩm định hay đưa vào ứng dụng thực tiễn như thế nào?
Bà Mitali Wroczynski: Sáng kiến này và các công cụ của BMJ đã hỗ trợ các bác sỹ trên lâm sàng và chúng tôi đã tiến hành triển khai nhiều nghiên cứu đánh giá định tính cũng như định lượng, thông qua như các nghiên cứu trường hợp cũng như nghiên cứu cải thiện chất lượng khám chữa bệnh trên thế giới và chúng tôi thấy có những kết quả rất tích cực.
Chẳng hạn như, nhiều bác sỹ được hỏi ở nhiều nước, họ trả lời kiến thức cũng như thực hành của họ được cải thiện rất nhiều khi sử dụng các công cụ này trong thực hành khám chữa bệnh.
Nhiều người cho biết, kỹ năng trao đổi với bệnh nhân được thay đổi, hay việc quản lý, điều trị trường hợp bị bệnh lao đã được cải thiện nhiều, sử dụng kiến thức mới được quốc tế công nhận và có độ tin cậy cao. Đó là những bằng chứng mà BMJ có được qua đánh giá, ngoài ra có rất nhiều kết quả nghiên cứu về tác động của sáng kiến này đã được công bố quốc tế.
Khi công cụ này được triển khai ở trên 80 nước, khi làm điều tra đối với các bác sỹ đã tham gia sử dụng công cụ này thì 80% các bác sỹ đều nói công cụ này đã giúp cho họ thay đổi rất nhiều. Có bác sỹ nói rằng nhờ công cụ này đã cứu được rất nhiều bệnh nhân.
– Bà có thể giải thích vì sao cần triển khai công cụ này ở Việt Nam?
Bà Mitali Wroczynski: Thông qua hợp tác với Bộ Y tế, chúng tôi được biết là tình hình điều trị, chẩn đoán bệnh ở Việt Nam đã được cải thiện rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm và đặc biệt làm sao để nâng cao năng lực, hỗ trợ cho các bác sỹ trong việc quản lý bệnh nói chung và bệnh truyền nhiễm nói riêng dựa vào chứng cứ.
Chúng ta đều biết, trên thế giới hiện nay đã sử dụng y học dựa vào bằng chứng (y học thực chứng), tất cả đều được dựa trên nghiên cứu khoa học và bằng chứng có độ tin cậy cao để đưa ra phác đồ điều trị hay đưa ra các quyết định về chẩn đoán.
Thực tế, khi chúng tôi gặp gỡ và trao đổi với các bác sỹ của Việt Nam, các bác sỹ đều đánh giá công cụ này rất có giá trị trong cải thiện công tác chuyên môn hàng ngày và điều đó được thể hiện qua con số. Trong vòng 3 tháng khi chính thức triển khai thử nghiệm sáng kiến này trong tổng số 3000 license miễn phí, hiện số đăng ký sử dụng đã đạt 90%, trong khi ở các nước khác trong chương trình, phải mất từ 1-2 năm mới đạt được con số như vậy.
Bên cạnh bệnh truyền nhiễm, hiện nay Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình, trong tương lai có thể là nước thu nhập khá hơn, mô hình bệnh tật sẽ thay đổi, có thể càng ngày sẽ có càng nhiều bệnh không lây nhiễm như ung thư, tiểu đường, huyết áp… BMJ cung cấp 2 công cụ này cho các bác sỹ Việt Nam không chỉ hỗ trợ trong điều trị, quản lý bệnh truyền nhiễm mà bao gồm các bệnh không lây nhiễm, những bệnh lý phải điều trị kéo dài nhiều năm. Trong tương lai công cụ này sẽ tiếp tục có những tác động, có giá trị cho các bác sỹ lâm sàng tại Việt Nam.
– Mô hình bệnh tật luôn luôn có sự thay đổi, cũng như nhiều dịch bệnh mới sẽ xuất hiện. Bộ công cụ này có được cập nhật những kiến thức mới liên tục?
Bà Mitali Wroczynski: Chúng tôi liên tục cập nhật thông tin dữ liệu trên các công cụ đó. Một dữ liệu điển hình đó là khi bệnh Ebola và Zika xảy ra, khi đó rất ít thông tin và dữ liệu liên quan đến hai bệnh này. Tuy nhiên, thông qua hệ thống của chúng tôi với hơn 4.000 chuyên gia lâm sàng quốc tế, họ đã hỗ trợ cung cấp toàn bộ các chứng cứ đưa vào trong các công cụ này và chúng tôi hỗ trợ miễn phí cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola hay Zika truy cập vào để lấy thông tin và kiến thức.
Thứ hai, các bác sỹ cho dù dịch bệnh không xảy ra nhưng họ cũng cần được đào tạo, học trước các bệnh đó, như nắm được triệu chứng, phương pháp điều trị để khi xảy ra dịch bệnh bất cứ lúc nào họ có sẵn kiến thức, biết cách để ứng phó với nó.
– Hiện nay bộ công cụ đào tạo của Tạp chí giúp nâng cao năng lực cho các bác sỹ lâm sàng đã được dịch sang tiếng Việt như thế nào?
Bà Mitali Wroczynski: Hiện nay tổng số 2 công cụ này có 1.800 chủ đề thực hành tốt nhất và các mô-đun học tập. BMJ sẽ dịch ra tiếng Việt khoảng 437 chủ đề, có 89 mô-đun về BMJ Learning và 348 chủ đề về thực hành tốt nhất. Hiện nay chúng tôi đã dịch được hơn 200 chủ đề và dự kiến đến hết tháng 9.2018 sẽ dịch xong hết 437 chủ đề sang tiếng Việt, trong đó ưu tiên dịch các chủ đề liên quan tới bệnh truyền nhiễm.
BMJ chính thức hợp tác với Bộ Y tế từ năm 9/2017 để khởi động cho sáng kiến này ở Việt Nam. Sau đó, chúng tôi có 6 tháng để chuẩn bị về mặt cơ sở pháp lý và kế hoạch triển khai thử nghiệm cho Sáng kiến này, và chính thức từ tháng 3 năm nay thì Bộ Y tế đã có văn bản giới thiệu sáng kiến này tới các bệnh viện và khuyến khích các bệnh viện đăng ký, đăng nhập và sử dụng 2 công cụ trên.
Tháng 5 vừa qua BMJ và Bộ Y tế đã phối hợp để tập huấn đăng ký và truy cập sử dụng cho các bệnh viện và các bác sỹ. Sau 3 tháng triển khai số lượng bác sỹ đăng ký đã chiếm tới 90% trong tổng số 3.000 license miễn phí được cấp.
Chúng tôi hy vọng khi bộ công cụ này được triển khai rộng rãi tại Việt Nam sẽ nâng cao hơn nữa năng lực cho các bác sỹ lâm sàng truyền nhiễm và cho hệ thống y tế để thích ứng với tình hình trong bối cảnh an ninh y tế toàn cầu mới.
Xin trân trọng cảm ơn bà bà Mitali Wroczynski./.
Theo: Viet Nam Plus