Khi thị trường bất động sản trầm lắng, năm 2019, công nghiệp (CN) được xác định là một trong những ngành chính tạo động lực cho phát triển kinh tế và thu ngân sách tỉnh. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, các cơ quan liên quan đã xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho CN phát triển.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, năm nay, bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Ở trong nước, sự nỗ lực tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ sẽ là điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho CN phát huy hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh, dự án đầu tư mới tại các khu CN (KCN): Suối Dầu, Ninh Thủy đã triển khai xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động trong năm 2019; các cụm CN: Trảng É 1, Sông Cầu, Diên Phú VCN hiện đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị đầu tư thứ cấp đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, 9 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cũng được các chủ đầu tư triển khai thực hiện góp phần cho CN tăng trưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tình hình hoạt động CN, thương mại Khánh Hòa năm nay vẫn gặp không ít khó khăn. Trong đó, lĩnh vực thuốc lá có tốc độ tăng trưởng không cao do thực hiện kế hoạch di dời nhà máy vào Cụm CN Trảng É dẫn đến sản lượng sản xuất sẽ giảm; tình hình buôn lậu thuốc lá ngoại ngày càng phức tạp, tinh vi nên cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ. Lĩnh vực bia – nước giải khát trong năm 2019 mức tăng trưởng sẽ không bằng năm 2018, một số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất… Bà Lê Thu Hải – Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Năm nay, điểm nhấn của CN chủ yếu là các dự án điện mặt trời. Đến tháng 6 sẽ có nhiều dự án điện mặt trời chính thức hòa lưới điện quốc gia. Riêng các cụm CN mới, tuy hoàn thành hạ tầng, các nhà đầu tư thứ cấp đã đăng ký, song để hoàn thành các thủ tục và xây dựng thì nhanh nhất đến cuối năm mới có thể đi vào hoạt động. Đây cũng chính là những khó khăn nhất định đối với ngành CN”.
Với những thuận lợi và khó khăn trên, ngành Công Thương phấn đấu đạt chỉ số sản xuất CN tăng 6 đến 6,5% so với năm 2018; giá trị sản xuất CN ước đạt 54.440 tỷ đồng, tăng 6,5%. Để đạt được những mục tiêu đó, ngành Công Thương tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 16-5-2016 của Chính phủ; kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động các dự án mới, tạo năng lực mới góp phần tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình khuyến công quốc gia và địa phương, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để nâng cao hiệu quả sản xuất CN về quy mô, năng suất, chất lượng sản phẩm, quản trị doanh nghiệp… “Sở Công Thương sẽ tạo điều kiện hết mức cho các doanh nghiệp. Đối với các thủ tục hành chính, ngay từ đầu năm, lãnh đạo sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính một cách tối đa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo mức tăng trưởng cho CN; đẩy mạnh hoạt động cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đề án mô hình một cửa theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ hành chính công”, bà Hải cho hay.
Ông Hoàng Đình Phi – Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, để CN phát triển, năm nay, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong sẽ tập trung kêu gọi và hỗ trợ các nhà đầu tư hạ tầng các KCN, cụm CN. Các nhà đầu tư chiến lược hướng đến chủ yếu vẫn là Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, vấn đề nhà ở cho công nhân cũng được quan tâm giải quyết. Trong năm nay, sẽ tập trung thu hút đầu tư vào KCN Ninh Thủy. Đối với KCN Nam Cam Ranh sẽ tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục cần thiết để lấy ý kiến của các cơ quan chức năng và trình Chính phủ.
Đình Lâm
Theo: Báo Khánh Hòa