Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Tăng trưởng du lịch Việt Nam: ‘Số lượng không bằng chất lượng’

Cán mốc tăng trưởng vô cùng ấn tượng trong năm 2018 với con số đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, được đà lãnh đạo ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu khách đến trong năm nay.

Với mục tiêu đó, dường như ngành du lịch đã tự đặt thêm gánh nặng và áp lực lên vai mình, khi mà trong báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm ngành này mới đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế. Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo ngành, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch nói gì?

[Indochine: Khám phá một Đông Dương thu nhỏ giữa lòng di sản]

– Chỉ đạt 8,5 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch Việt Nam trong 6 tháng đầu năm dường như là con số không được lý tưởng vì đến cuối năm, toàn ngành phải đạt mục tiêu 18 triệu lượt khách, ông có bình luận gì?

Ông Hà Văn Siêu: Trong năm 2018, ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng lượng khách đạt 22,9%, năm 2017 là 29%, đó là những con số thể hiện tốc độ tăng trưởng rất cao.

Sáu tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế chỉ đạt 7,5%, giảm so với cùng kỳ năm 2018 [sáu tháng đầu năm 2018 tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến là 27,2%-PV] nhưng tổng thu du lịch tăng 8,5%. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu tích cực, bởi cơ cấu khách du lịch đang đi vào chiều sâu, số lượng khách không quan trọng bằng chất lượng.

8,5 triệu lượt khách đến trong 6 tháng đầu năm tuy còn cách rất xa với mục tiêu 18 triệu của năm 2019, nhưng nếu nhận định trên góc độ thị trường thì đây là những dao động ngắn hạn. Về dài hạn, chúng ta có thể kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm ngành du lịch có thể thay đổi cục diện.

Thắng cảnh Ninh Bình thời gian qua đã trở thành điểm đến được ưa thích của du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

– Việt Nam xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên đúng như ông nói, những năm gần đây sự phát triển “nóng” của ngành du lịch đang gây sức ép lớn tới môi trường. Vậy Tổng cục Du lịch và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chiến lực như thế nào để cân bằng giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường, thưa ông?

Ông Hà Văn Siêu: Có thể nói những năm gần đây ngành du lịch được Đảng và Nhà nước quan tâm, do đó du lịch đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Sự tăng trưởng này vô hình trung tạo sức ép nhất định và tác động không nhỏ đến môi trường, đặc biệt là những trung tâm du lịch lớn, những vùng du lịch thu hút đông khách du lịch vào mùa cao điểm.

Về vấn đề này, dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch đã luôn tập trung cân đối yêu cầu phát triển du lịch với bảo vệ bền vững môi trường, cân đối giữa bảo tồn với phát triển gắn với bảo vệ môi trường trong các chương trình hành động và chiến lược toàn ngành.

Chúng tôi cũng luôn khuyến nghị các địa phương, các nhà đầu tư cần có nghiên cứu kỹ về những tác động của các dự án phát triển đối với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững.

Đoàn khách quốc tế thăm quan Yên Tử. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đặc biệt, trong quá trình phát triển phải luôn coi trọng yếu tố chất lượng, coi khách du lịch là trung tâm, thấy rằng giá trị của kỳ nghỉ là tối quan trọng để từ đó thiết kế các kế hoạch phát triển, dự án đầu tư phù hợp với sức tải của khu vực, của môi trường cũng như liên hệ với các dự án khác trong việc bảo tồn văn hóa và môi trường.

– Như ông vừa nói, mặc dù 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng khách giảm nhưng tổng thu du lịch lại tăng nhờ dòng khách chất lượng cao. Vậy theo ông, có giải pháp nào để tăng mức chi tiêu của du khách quốc tế và hấp dẫn dòng khách này tới Việt Nam trong thời gian tới?

Ông Hà Văn Siêu: Như báo cáo phân tích trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng trưởng hầu hết ở các thị trường, nhưng tốc độ tăng trưởng thì có chững lại, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc giảm nhẹ.

Phân tích cũng chỉ ra rằng, trong 3 năm liền thị trường khách “chatter” [loại hình du lịch thuê bao nguyên chuyến máy bay – PV] chuyển hướng đến những điểm đến mới. Trong số 8,5 triệu lượt khách đến của 6 tháng đầu năm thì cơ cấu khách chủ yếu đi đường hàng không vẫn tốt, đây là dòng khách có mức chi tiêu cao, đến các điểm đến nghỉ dưỡng biển miền Trung và miền Nam Việt Nam. Như vậy, chúng tôi đánh giá cơ cấu khách có xu hướng tích cực, khách đi lẻ, đi tự túc thông qua các phần mềm ứng dụng đặt trực tuyến là dòng khách chất lượng tốt.

Clip ông Hà Văn Siêu chia sẻ việc làm sao cân bằng giữa phát triển du lịch với bảo vệ môi trường:

Tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đến 7,5% nhưng tổng thu du lịch tăng, đặc biệt là những thị trường mới trong phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp ở những điểm đến mới của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội để tiếp tục tăng trưởng khách.

Nếu như khách đã quen thuộc với điểm đến Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc thì giờ đây Quy Nhơn, Sapa (Lào Cai), Ninh Bình… đang nổi lên, sẽ là những điểm đến với trọng tâm thu hút khách mới sẽ thu hút được dòng khách cao cấp.

Trọng tâm này sẽ thay thế việc chúng ta chỉ đón khách thông qua những công ty lữ hành nước ngoài họ đưa khách đến đâu biết đến đó thông qua các chuyến chatter (máy bay thuê bao nguyên chuyến) thì rủi ro cao và thay đổi đột ngột dễ dẫn tới những tác động khó lường.

Bây giờ nếu thay đổi cơ cấu khách theo hướng đa dạng và cơ cấu khách lẻ cao cấp nhiều hơn, khách MICE nhiều hơn, khách chuyên đề nhiều hơn thì sẽ tốt cho ngành du lịch.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus