Với tình trạng khai thác thủy sản bằng các nghề cấm như: giã cào, cào sò… bùng phát trở lại tại vịnh Cam Ranh, đầm Nha Phu, vịnh Vân Phong, Chi cục Thủy sản tỉnh đã quyết liệt vào cuộc để xử lý.

Cào sò bùng phát

Ông T.V.C làm nghề thả lưới ở thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cho biết, mấy tháng nay là mùa sinh sản của các loại sò. Vì thế, tình trạng người dân các xã: Ninh Ích, Ninh Lộc ra đầm Nha Phu để cào sò theo kiểu tận diệt bùng phát, khiến môi trường nước trong đầm ô nhiễm trầm trọng. Không chỉ cào sò, nhiều hộ còn sử dụng các phương tiện khai thác mang tính hủy diệt khác như: lờ dây, đặt nò nên nguồn lợi thủy sản trong đầm Nha Phu suy giảm nhanh chóng. Theo tính toán của ông C., chỉ riêng thôn Ngọc Diêm có khoảng 60 – 70 thuyền máy, trong đó có khoảng 20 chiếc chuyên nghề lờ dây, 30 chiếc tham gia nghề cào sò; còn ngoài mặt đầm, nò giăng kín mít.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Theo ông Trần Huy – Trạm trưởng Trạm Thủy sản Ninh Hòa, những năm qua, tình trạng nghề cấm trong khai thác thủy sản tại Ninh Hòa có xu hướng giảm. Tuy nhiên, gần đây nổi lên nghề chích điện ở vùng biển xã Ninh Phước và nghề cào sò ở khu vực đầm Nha Phu. Riêng đối với nghề cào sò, chủ yếu là người dân các thôn Ngọc Diêm, Tân Thành (xã Ninh Ích) làm, diễn biến khá phức tạp và khó kiểm soát, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, môi trường biển và xung đột với các nghề hợp pháp khác.

Theo ông Võ Văn Lộc (phường Cam Lợi), tại vịnh Cam Ranh có hàng chục ghe cào sò hoạt động không kể ngày đêm, khi thấy bóng dáng cơ quan chức năng thì họ chạy vào Cam Thịnh Đông; khi lực lượng chức năng rút đi họ lại ra biển cào tiếp. “Thực tế, khi nạn cào sò hoạt động rầm rộ, mặt đất bị cào xới, cá, tôm trong vịnh chết rất nhiều; các đìa nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguồn nước ô nhiễm khi đáy vịnh bị xới tung. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì xung đột giữa người dân và các ghe cào sò sẽ khó tránh khỏi, bởi chúng tôi rất bức xúc”, ông Lộc trình bày. Được biết, tuy nghề cào sò bị cấm nhưng nhiều người vẫn hoạt động là do lợi nhuận rất cao, 1kg sò loại nhỏ được bán với giá 60.000 đồng, loại lớn hơn có giá 100.000 đồng, đỉnh điểm có thuyền cào sò 1 đêm bán được 18 triệu đồng.  

Lực lượng chức năng thu giữ các lồng cào sò tại TP. Cam Ranh
Lực lượng chức năng thu giữ các lồng cào sò tại TP. Cam Ranh

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh, vùng biển vịnh Cam Ranh là điểm nóng về hoạt động khai thác thủy sản trái phép. Hiện nay, có khoảng 70 phương tiện hoạt động nghề giã cào, cào sò trong vịnh (trước năm 2017 có 120 phương tiện) ; tập trung chủ yếu tại các phường Cam Lợi và Ba Ngòi, một số ít ở phường Cam Linh. Ông Võ Thiên Lăng – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh cho biết: “Các đầm Nha Phu, Thủy Triều và các vịnh Cam Ranh, Vân Phong là bãi đẻ của nhiều loài thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ở các đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh suy giảm đến mức báo động. Nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận ngư dân khai thác theo kiểu tận diệt, sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt, đặc biệt là nạn cào sò”.

Quyết liệt xử lý

Ông Lê Tấn Bản – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Để giữ gìn môi trường nuôi trồng thủy sản, tránh xung đột giữa các nghề khai thác ven bờ với nhau, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quyết định của UBND tỉnh về quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuần tra trên biển để ngăn chặn nghề cấm như: nghề lưới kéo (giã cào, cào sò), lờ dây; thành lập các tổ kiểm tra để nắm thông tin, tuần tra khi có vi phạm xảy ra; hướng dẫn ngư dân chuyển đổi phương thức khai thác, chẳng hạn như nghề cào sò chuyển sang lặn sò. Ngoài ra, bố trí tàu tuần tra luôn trực sẵn sàng tại các điểm có tàu giã cào, cào sò hoạt động… 

Trước tình trạng nạn cào sò bùng phát trở lại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản điều tra tình hình thực tế để kịp thời ngăn chặn, xử lý. Ông Trần Văn Cao – Trưởng phòng Thanh tra – Pháp chế Chi cục Thủy sản cho biết: “Từ tháng 3 đến đầu tháng 9 năm nay, có 7 phương tiện giã cào, 94 phương tiện cào sò bị xử lý; các phương tiện vi phạm bị xử phạt gần 75 triệu đồng. Chi cục Thủy sản đã tiến hành tiêu hủy 46 lồng cào sò tại TP. Cam Ranh, thời gian tới sẽ tiếp tục tiêu hủy các lồng cào sò đã xử lý tại Ninh Hòa, Vạn Ninh”.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, qua các đợt tuần tra, xử lý, số phương tiện hoạt động nghề giã cào sò đã giảm. Tuy nhiên, do nghề này đầu tư thấp nhưng lợi nhuận cao nên ngư dân vẫn lén lút hoạt động. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân từ bỏ các nghề cấm; bố trí tàu, ca nô túc trực tại các điểm nóng về nạn cào sò để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, chi cục sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng đưa các nghề: cào sò, lờ dây, nò vào nghề cấm trong hoạt động khai thác thủy sản chứ không quy định vùng cấm đối với các nghề này như trước.

Ông Võ Thiên Lăng cho rằng, nếu cộng đồng ngư dân ven biển vẫn tiếp tục sử dụng các phương tiện hủy diệt để khai thác thủy sản thì nguồn lợi sẽ suy giảm nhanh chóng. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ việc quản lý nghề cá nhỏ ven bờ. Một khi ngư dân thay đổi nhận thức, chấm dứt các nghề cấm thì việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản mới bền vững.

BÍCH LA

Theo: Báo Khánh Hòa