Tình trạng trẻ hóa đối tượng nghiện thuốc lá đang là thực tế đáng báo động. Nhằm nâng cao nhận thức cho thanh, thiếu niên về những tác hại do thuốc lá gây ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trong trường học.

Đối tượng nghiện thuốc lá đang bị trẻ hóa

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA


Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thanh, thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển, đang định hướng trưởng thành về tâm lý và nhân cách. Giai đoạn này các em chịu tác động và ảnh hưởng không nhỏ của gia đình, môi trường sống và giáo dục của nhà trường, xã hội; nếu không có sự giám sát, định hướng đúng, các em dễ bị rủ rê thực hiện các hành vi xấu để chứng minh bản thân, trong đó có hành vi hút thuốc lá. Nhiều em chưa nhận thức và hiểu được những hậu quả của khói thuốc gây ra.



Thuốc lá điện tử gây hại sức khỏe cho người hút (ảnh internet).

Thuốc lá điện tử gây hại sức khỏe cho người hút (ảnh internet).



Nghiên cứu năm 2020 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sức khỏe thanh, thiếu niên cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm 13-17 tuổi của Việt Nam chiếm 2,6%. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm 15-24 tuổi chiếm cao nhất với tỷ lệ 7,3%. Quyền đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, việc xuất hiện tràn lan các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá dạng hút Shisha được mua bán, quảng cáo trên mạng xã hội nhằm vào giới trẻ hiện nay cũng là những sản phẩm gây nghiện, có hại cho sức khỏe. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, đặc biệt đối với thế hệ trẻ của Việt Nam.


Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có gần 70 chất gây ung thư… Khi hút thuốc, khói thuốc hít vào sẽ đưa các chất độc hại này theo đường miệng vào bên trong cơ thể con người. Các chất độc tích tụ, phá hủy dần các tế bào trong cơ thể, gây nên những bệnh nguy hiểm như các bệnh về phổi (viêm phổi, viêm phế quản phổi, bệnh phổi tắc nghẽn, tràn dịch màng phổi, lao phổi, ung thư phổi), tim mạch, ung thư các bộ phận khác của cơ thể, vô sinh…. Ở tuổi thanh, thiếu niên, cơ thể đang phát triển, không đủ kháng thể để chống lại những tác nhân độc hại từ khói thuốc lá nên các bộ phận cơ thể dễ bị chất độc tàn phá nhanh chóng. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Vì vậy, người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc.

Đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học


Năm 2013, khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, ngành Giáo dục – Đào tạo, trong đó có tỉnh Khánh Hòa đã lồng ghép nội dung về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào chương trình dạy học chính khóa lẫn ngoại khóa.


Các trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là các trường THCS đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như: Thi tìm hiểu, tiểu phẩm, vẽ tranh, phát thanh, phổ biến dưới cờ phòng, chống tác hại của thuốc lá; ký cam kết không hút thuốc lá, rượu bia; giáo dục cho học sinh kỹ năng sống, ứng xử biết từ chối lời rủ rê hút thuốc từ bạn bè, trang bị kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe bản thân và gia đình, xã hội… Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế tổ chức các hội thảo, tập huấn chuyên đề về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, góp phần xây dựng tài liệu truyền thông, giáo dục như “Cẩm nang hỏi – đáp về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giáo dục”; đặt các pano “Cấm hút thuốc lá” trong trường học, tổ chức các buổi mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không hút thuốc lá, Tuần lễ quốc gia không khói thuốc để tuyên truyền. Căn cứ chỉ đạo của Bộ Giáo dục – Đào tạo, hàng năm, Sở Giáo dục – Đào tạo đều xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục huyện, thị xã và thành phố phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc lá trong trường học; vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên đang hút bỏ thuốc lá… Qua gần 10 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực, hầu hết các trường học ở tỉnh đều thực hiện nghiêm trường học không khói thuốc lá.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, việc tích cực triển khai hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong trường học góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe các thế hệ tương lai của đất nước.


THẢO LY

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202208/tang-cuong-tuyen-truyen-tac-hai-cua-thuoc-la-trong-thanh-thieu-nien-8259898/