Dịch bệnh tay chân miệng đang tăng cao trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là ở các nhóm trẻ gia đình – nơi dễ trở thành địa điểm gây bùng phát dịch tay chân miệng, cơ sở vật chất, kiến thức thực hành phòng, chống dịch bệnh còn rất hạn chế.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.270 ca mắc tay chân miệng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ; chiếm hơn 80% các ca bệnh tập trung vào nhóm tuổi dưới 36 tháng. Đây lại là nhóm tuổi thường được gửi giữ tại các trường mầm non, mẫu giáo và nhóm trẻ gia đình. Điều đáng lo ngại, trong tháng 9 – tháng bước vào năm học mới, số ca mắc tăng rất cao, chiếm gần 1/2 số ca mắc 9 tháng cộng lại, trong đó, có nhiều ca các cháu mắc bệnh khi đi học ở trường.
Để hạn chế dịch tay chân miệng lây lan ở các trường học, hơn 1 tháng qua, ngành Y tế cùng chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn cho các trường học các biện pháp tăng cường phòng tránh dịch, xử lý ổ dịch. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cùng các đội y tế dự phòng ở các địa phương đã tiến hành khử khuẩn tại hàng chục hộ gia đình và trường học; thực hiện hơn 900 lượt tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh; cấp 3.000 cục xà phòng rửa tay; hơn 250.000 tờ rơi và 800kg Cloramin B….
Đầu tháng 10, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo tiến hành giám sát, kiểm tra kết hợp tuyên truyền công tác phòng, chống tay chân miệng tại các trường, nhóm trẻ gia đình trên toàn tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát ở 4 địa phương có số ca mắc cao như: TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và Cam Lâm cho thấy, hầu hết các trường mầm non, mẫu giáo công lập và một số trường tư thục lớn đều thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh; giáo viên có kiến thức thực hành tốt; cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ…
Cô Cao Thị Thanh Hà – Hiệu trưởng Trường Mầm non 3-2 (TP. Nha Trang) cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường thành lập Ban chỉ đạo công tác phòng, chống tay chân miệng. Hàng ngày, giáo viên phải tổng vệ sinh lớp theo quy định, rửa đồ dùng, đồ chơi bằng nước tẩy rửa; dạy các cháu vệ sinh cá nhân sau ăn, 6 bước rửa tay đúng và tiến hành kiểm tra các thao tác của các cháu. Nhân viên y tế có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Vào cuối tuần, trường còn phát động toàn thể cán bộ, giáo viên tiến hành tổng vệ sinh. Cùng với đó, nhà trường còn tuyên truyền tới toàn thể phụ huynh. Đến thời điểm này, trường chưa có trường hợp cháu bị mắc tay chân miệng.
Ngược lại, qua kiểm tra ở các nhóm trẻ gia đình, công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng chưa được chú trọng. Gần như ở tất cả các cơ sở này đều không có bồn rửa, xà phòng cho trẻ rửa tay, nơi nuôi trẻ chật hẹp, không phân loại khăn và ly uống nước cho từng trẻ, nhà vệ sinh sử dụng chung cùng gia đình, không có kế hoạch rửa đồ chơi…; những người nuôi dạy trẻ không nắm được kiến thức về phòng, chống bệnh tay chân miệng. Bà Lê Thị Thu Hà – Chủ nhóm trẻ Minh Châu (thị xã Ninh Hòa) nói: “Cơ sở nuôi dạy khoảng 20 cháu, tận dụng phòng khách của gia đình làm nơi giữ trẻ. Trước kia, nhà cũng có lắp lavabo nhưng các cháu cứ đu, trèo lên, sợ các cháu té nên chúng tôi đã tháo bỏ. Cơ sở đã được ngành Y tế gửi giấy mời đi tập huấn, nhưng do bận, thiếu người chăm sóc cháu nên chưa đi được”.
Ông Huỳnh Văn Dõng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cảnh báo, những cơ sở mầm non tư thục hay những nhóm trẻ gia đình nhỏ lẻ như trên dễ trở thành địa điểm gây bùng phát dịch tay chân miệng. Đáng lo ngại là toàn tỉnh hiện có hơn 500 cơ sở mầm non, nhóm trẻ nhỏ lẻ như thế này nên nguy cơ phát sinh lây nhiễm bệnh là rất cao.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã có văn bản yêu cầu các trung tâm y tế, phòng y tế phối hợp với các phòng giáo dục và đào tạo huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng xảy ra trong nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo, kịp thời phát hiện các ổ dịch, xử lý triệt để, không để bệnh tay chân miệng lan rộng, kéo dài. Đồng thời khuyến nghị các trường mẫu giáo, mầm non và các nhóm trẻ gia đình thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh lớp học, cung cấp đầy đủ nước sạch, bảo đảm quản lý phân tốt, phát hiện và cách ly sớm các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, báo cáo ngành Y tế để xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, lập danh sách tất cả các trường mẫu giáo, mầm non và các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn tỉnh để tiến hành kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tay chân miệng.
Ông Dõng khẳng định: “Sau khi nắm xong danh sách, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức giám sát, kiểm tra kết hợp với tuyên truyền tại chỗ; đồng thời sẽ mời họ đi tập huấn để nâng cao kiến thức phòng, chống dịch bệnh. Riêng đối với những cơ sở có ca mắc lặp lại liên tục, chúng tôi sẽ đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo đóng cửa”.
Cát Đan
Theo: Báo Khánh Hòa