Việt Nam là 1 trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015, ở Việt Nam, cứ 2 nam giới trưởng thành thì có 1 người hút thuốc lá. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại liên quan tới thuốc lá lên tới 23.000 tỷ đồng/năm.
Theo lãnh đạo Vụ Pháp chế – Bộ Y tế, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá tiếp tục gặp khó khăn vì năm 2019 thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%. Trong 4 năm (2014 – 2018), cả nước đã bắt hơn 1.000 vụ thuốc lá lậu. Do buôn thuốc lá lậu có lợi nhuận cao, tội phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi, xé lẻ, phân tán, ngụy trang kín đáo thuốc lá với các hàng hóa khác hoặc thuê mướn người vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau để đối phó với các lực lượng chức năng. Tình trạng buôn thuốc lá lậu làm ngân sách nhà nước thất thu tiền thuế, chất lượng của thuốc lá không được kiểm soát, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Để phòng, chống thuốc lá lậu cần có sự phối hợp giữa các cơ quan công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường; có những phương tiện hỗ trợ, cơ chế để các lực lượng chống buôn lậu hoàn thành nhiệm vụ.
Theo đánh giá của Vụ Pháp chế, giai đoạn 2013 – 2018, các bộ: Công Thương, Công an, Quốc phòng, Tòa án nhân dân đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá – Bộ Y tế tập trung tuyên truyền cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh thuốc lá, người dân ở những tỉnh, thành phố phổ biến tình trạng vận chuyển, buôn lậu thuốc lá. Nội dung tuyên truyền chủ yếu là các quy định của pháp luật đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng thuốc lá lậu, thuốc lá giả và chế tài xử phạt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, từ đó không tham gia buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; đồng thời vận động người dân chủ động, tích cực trong việc tố giác tội phạm, phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ các trường hợp vi phạm. Các tỉnh, thành phố đã triển khai cho các cơ sở kinh doanh tạp hóa, bách hóa tổng hợp ký cam kết không sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; tổ chức truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp.
Sở công thương các tỉnh, thành đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền qua trang thông tin điện tử; phối hợp với các UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá cho các chủ doanh nghiệp, công ty bán buôn, đại lý và các cửa hàng bách hóa có quy mô lớn kinh doanh sản phẩm thuốc lá tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức các buổi tọa đàm; đẩy mạnh việc tuyên truyền lưu động qua hệ thống truyền thanh, loa phát thanh các xã, phường, thị trấn, ban quản lý các chợ; phân phát tờ rơi; ký cam kết đối với từng hộ kinh doanh…
Để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn, các đơn vị liên quan cần phối hợp với cơ quan báo, đài phát thanh truyền hình đưa các vụ việc vi phạm điển hình về vận chuyển, kinh doanh thuốc lá nhập lậu lên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm khuyến cáo người tiêu dùng và răn đe những đối tượng vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, lực lượng quản lý thị trường nên kết hợp truyền thông, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh nói chung và kinh doanh thuốc lá nói riêng cho các hộ kinh doanh về những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, tuân thủ đúng các quy định của luật pháp liên quan đến phòng, chống tác hại của thuốc lá…
Bảo Trâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)
Theo: Báo Khánh Hòa