Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bày bán khắp nơi. Đặc biệt, thuốc lá giả, nhập lậu cũng được bán tràn lan trên thị trường.
|
Hiện nay, chưa có quy định về việc cấp phép để quản lý các điểm bán thuốc lá lẻ. Việc giảm số lượng các điểm bán lẻ thuốc lá thông qua việc quản lý, cấp phép cho các điểm bán đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ là biện pháp hữu hiệu để giảm việc tiếp cận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá. Số lượng giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá được cấp còn hạn chế so với thực tế số cơ sở có kinh doanh thuốc lá, vẫn còn tình trạng điểm bán lẻ sản phẩm thuốc lá hoạt động không có giấy phép. Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép phân phối, bán buôn, bán lẻ sản phẩm thuốc lá đã được bãi bỏ, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nên số lượng cơ sở kinh doanh thuốc lá trên thị trường tăng nhanh, khiến khả năng tiếp cận của người tiêu dùng đối với sản phẩm thuốc lá dễ dàng, dẫn đến mục tiêu đấu tranh, phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) chưa đạt yêu cầu.
Đối với công tác phòng, chống thuốc lá giả, nhập lậu, trong 5 năm qua, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, đã bắt giữ được nhiều vụ việc lớn, thu giữ hàng nghìn cây thuốc lá nhập lậu. Công tác kiểm tra, kiểm soát kết hợp với tuyên truyền đã góp phần tạo chuyển biến một phần về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá. Trong 5 năm thực hiện Luật PCTHTL, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra gần 42.680 lượt, xử lý hơn 27.140 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 124 tỷ đồng, tịch thu hơn 5,9 triệu bao thuốc lá các loại, thu giữ 92 ô tô, 2.380 xe máy, 44 phương tiện khác và chuyển cơ quan công an 135 vụ. Theo thống kê của Bộ Công an tại 55 tỉnh, thành phố (từ năm 2013 đến 2018), công an các địa phương đã tổ chức và phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý hơn 14.000 vụ việc. Trong đó, bao gồm cả vụ việc buôn lậu thuốc lá, buôn bán thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính hơn 14.000 vụ, xử lý hình sự hơn 1.000 vụ, nộp ngân sách nhà nước hơn 170 tỷ đồng tiền phạt; tịch thu, tiêu hủy hơn 43 triệu bao thuốc lá, 20.000kg nguyên liệu thuốc lá và hàng nghìn điếu thuốc; tịch thu 267 phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.
Hoạt động phòng, chống thuốc lá giả, nhập lậu được tăng cường, có sự tham gia và phối hợp của nhiều lực lượng nên tình trạng buôn lậu cũng giảm đáng kể. Trong thị trường nội địa, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn được một số điểm nóng chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, giảm tình trạng bày bán công khai thuốc lá điếu nhập lậu tại các cửa hàng, khu vực công cộng, điểm kinh doanh. Mặt khác, nhờ hiệu ứng tích cực của công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan thông tấn, báo chí trong chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tuyên truyền Luật PCTHTL… đã góp phần giảm số lượng người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng thuốc lá nhập lậu, không rõ nguồn gốc do được nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng các loại thuốc lá. Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30 ngày 30-9-2014 về việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá; Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Hải quan chủ động nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính từ ngày 1-10-2014 đến 30-9-2018, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ hơn 1.030 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới, thu giữ hơn 2,8 triệu bao thuốc lá các loại, bắt giữ 153 đối tượng buôn lậu.
Để công tác PCTHTL đạt hiệu quả cao, tại các địa phương, UBND các cấp phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan phân công trách nhiệm cụ thể cho các lực lượng làm công tác phòng, chống thuốc lá giả, nhập lậu.
Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)