Những năm qua, trẻ em trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị tử vong do đuối nước có giảm song vẫn còn cao. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này, các cấp, ngành, địa phương sẽ tăng cường triển khai nhiều biện pháp tích cực trong thời gian tới.
Số trẻ bị đuối nước vẫn còn cao
Ông Võ Bình Tân – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Từ đó đã góp phần làm giảm số trẻ em bị tử vong do đuối nước. Năm 2015, toàn tỉnh có 18 trẻ bị tử vong do đuối nước, năm 2016 và năm 2017, con số này đều là 17 trẻ, năm 2018 là 12 trẻ. Hiện nay, số trẻ bị tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh có giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm 50% tổng số trẻ bị tử vong do tai nạn, thương tích. Điều này là do ý thức chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em của một số gia đình. Các phụ huynh chưa theo sát, quản lý, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi nên đã xảy ra nhiều vụ trẻ bị rơi, ngã xuống ao, hồ, hố nước.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ chưa được thường xuyên, liên tục. Môi trường xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Phần lớn các công trình thi công chưa cắm các biển cảnh báo, rào chắn. Kinh phí xây dựng bể bơi, tổ chức dạy bơi cho trẻ còn hạn chế, hiện nay mới chỉ thí điểm thực hiện ở một số trường học. Số lượng trẻ em được phổ cập bơi lội chưa cao. Đặc biệt là tình trạng thiếu khu vui chơi, sân chơi cho trẻ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Chính vì vậy, vào khoảng thời gian rảnh, kỳ nghỉ hè, trẻ em thường tìm đến sông, suối, ao, hồ để chơi đùa… Cùng với đó, cán bộ làm công tác trẻ em ở cấp xã hiện nay đều kiêm nhiệm, trong khi đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em đã ngừng hoạt động vào năm 2016 dẫn đến không ít khó khăn trong công tác quản lý, giám sát, triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước ở trẻ. Nhiều địa phương chưa chú trọng tổ chức các hoạt động vui chơi phong phú, bổ ích cho trẻ em…
Tăng cường các biện pháp
Giai đoạn 2019 – 2020, các sở, ngành đặt mục tiêu giảm 15% số trẻ bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 50% trẻ độ tuổi tiểu học và THCS biết kỹ năng an toàn dưới nước; 100% trẻ sử dụng áo phao khi tham gia giao thông thủy; 50% cấp huyện tổ chức dạy bơi cho trẻ; 75% ngôi nhà thuộc hộ gia đình đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn; 100% y tế thôn, trường học biết kỹ năng sơ, cấp cứu trẻ bị đuối nước… |
Ông Võ Bình Tân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, 10 sở, ngành đã tiến hành họp bàn và đi đến ký kết thực hiện kế hoạch phòng, chống đuối nước cho trẻ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2020. Theo đó, các sở, ngành tập trung thực hiện nâng cao nhận thức, kỹ năng, các mối nguy cơ đuối nước cho trẻ em; tổ chức các chiến dịch, cuộc vận động phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ với quy mô sâu rộng, lan tỏa đến công đồng. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng môi trường an toàn cho trẻ như: ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn, khu du lịch an toàn, cảng, bến thủy văn hóa, an toàn. Đồng thời, thường xuyên rà soát toàn bộ các công trình xây dựng, hệ thống thoát nước, thủy lợi để yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện nghiêm các quy định an toàn, cắm biển cảnh báo, rào chắn, sửa chữa, khắc phục kịp thời những công trình bị hư hỏng, xuống cấp.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; tập trung triển khai các hoạt động dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em bằng nhiều hình thức; phát động phong trào dạy bơi, nhất là ở vùng nông thôn; huy động cộng đồng, các tổ chức quốc tế hỗ trợ nguồn lực, công tác dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ. Song song với đó, thường xuyên thực hiện giám sát, trông giữ trẻ nhỏ ở gia đình và cộng đồng; đa dạng hóa các hoạt động hè cho trẻ em, nhất là hoạt động dạy bơi; mở các điểm trông giữ trẻ tại miền núi, vùng nông thôn khi không có người trông giữ vào mùa mưa lũ; tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, ban hành và thực hiện các văn bản quy định về phòng, chống đuối nước.
PHÚ AN
Theo: Báo Khánh Hòa