Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Trong khuôn khổ sự kiện Trình diễn kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo 2019) diễn ra tại Gia Lai, sáng 24/11, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Gia Lai tổ chức “Hội thảo Giám đốc các trung tâm, tổ chức ứng dụng chuyển giao công nghệ vùng Nam Trung Bộ-Tây Nguyên.”

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm tăng cường đầu tư, đáp ứng yêu cầu về ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất.

Đại biểu tỉnh Phú Yên cho rằng các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của từng tỉnh nên có sự kết nối với các hợp tác xã và Hội Nông dân địa phương để có sự đồng nhất trong công tác quản lý nhà nước cũng như chuyển giao công nghệ đến doanh nghiệp, người dân.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Hơn nữa, chỉ nên xây dựng 1 hoặc 2 điểm kết nối cung cầu trong một vùng để có sự tập trung vốn, cơ sở hạ tầng, chủ trương chính sách, tránh trường hợp đầu tư dàn trải lan man, không hiệu quả.

Đại biểu đến từ tỉnh Đắk Lắk cho rằng hiện nay, nhiều trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ gặp khó trong việc cạnh tranh tham gia đấu thầu các dự án nông nghiệp với các doanh nghiệp địa phương; đề xuất tạo cơ chế mở cho các trung tâm để có thêm chức năng, nhiệm vụ như truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chứng nhận nông nghiệp hữu cơ… tại các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn quản lý.

Một số ý kiến kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ mở các lớp tập huấn, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ; chọn lọc giới thiệu và phổ biến các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao trong và ngoài nước…

Theo báo cáo kết quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ vùng Nam Trung Bộ-Tây Nguyên, gồm 12 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của cả nước, nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển một nền kinh tế toàn diện.

[TechDemo Gia Lai 2019: Kết nối công nghệ, bắt nhịp cách mạng lần thứ 4]

Hơn 10 năm qua, các tỉnh, thành đã quan tâm, hợp tác và phát triển hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Trong vùng có 9/12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chủ trương đầu tư theo Quyết định số 317/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án nâng cao năng lực của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong số đó, chỉ có 7 trung tâm được Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt với tổng kinh phí 303 tỷ: (Khánh Hòa (109 tỷ), Gia Lai (54 tỷ), Đắk Lắk (44 tỷ), Quảng Nam (37 tỷ), Đắk Nông (36 tỷ), Đà Nẵng (13 tỷ), Bình Định (5 tỷ), Phú Yên (5 tỷ).

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Lắk phát biểu ý kiến. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Các trung tâm, tổ chức ứng dụng chuyển giao công nghệ tại 12 tỉnh, thành đã tham gia thực hiện các đề tài, dự án thông qua các hình thức đăng ký và tham gia đấu thầu tuyển chọn.

Trong năm 2019, các trung tâm, tổ chức chuyển giao công nghệ khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên đã làm chủ được 34 quy trình, công nghệ và sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị khác, trong đó, trên 80% tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là công nghệ cấy mô tế bào, sản xuất cây giống sạch như chuối, gừng, ba kích, lan kim tuyến, đông trùng thảo của Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên; công nghệ trồng rau bằng hệ thống thủy canh sản xuất rau an toàn của Khánh Hòa, Kon Tum; công nghệ vận hành tưới tiết kiệm của Gia Lai, Khánh Hòa.

Các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ còn trực tiếp đầu tư hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ của địa phương và trung ương để đầu tư các dây chuyền sản xuất, thương mại hóa sản phẩm như các sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học, vật liệu composite, trà túi lọc, phôi giống nấm và nấm thành phẩm…

Ngoài chức năng quản lý nhà nước, 12/12 trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành còn thực hiện cả 2 hoạt động sản xuất-kinh doanh và dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ như dịch vụ kỹ thuật đo lường, dịch vụ phân tích thử nghiệm công nghệ sản xuất giống cây trồng, công nghệ xử lý môi trường, mối mọt, công nghệ sản xuất và nhân giống nấm ăn, nấm dược liệu và Đông trùng hạ thảo…

Tính riêng năm 2019, 12 trung tâm này đã thực hiện được 339 hợp đồng dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, xử lý môi trường.

6/12 trung tâm đã có hoạt động sản xuất kinh doanh trên thị trường với tổng doanh thu 5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng.

Trong số đó, nổi bật là doanh thu của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Phú Yên đạt 2 tỷ/năm với các sản phẩm giống nuôi cấy mô các loại cây quả, giống nấm dược liệu và nấm ăn.

Theo Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ Tạ Việt Dũng, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc để kiểm soát chất lượng hàng hóa theo chuỗi cung ứng, quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn hiện đại thì việc liên kết các trung tâm này lại là nhu cầu bức thiết. Việc liên kết các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong vùng thành khối khẳng định vai trò cầu nối của các trung tâm trong việc đưa các công nghệ phục vụ đời sống, phát triển kinh tế, xã hội địa phương./.

Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)

Theo: Viet Nam Plus