Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm

5 năm qua, công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy vậy, thời gian tới, dự báo loại hình tệ nạn này sẽ có những diễn biến phức tạp, cần tăng cường công tác phòng, chống, giảm tác hại đối với cộng đồng.

Lực lượng công an chủ công


Cuối tháng 7-2020, các cán bộ, trinh sát Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Cam Ranh tiến hành kiểm tra hành chính cơ sở massage Thượng Hải 777 nằm trên đại lộ Hùng Vương, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh. Ngay tại một căn phòng tầng trệt, lực lượng chức năng đã bắt quả tang 2 đối tượng đang mua bán dâm. Lực lượng công an còn phát hiện tại các phòng ở tầng 1, tầng 2 có 9 cô gái khác đang chờ khách và không có đăng ký tạm trú. Lực lượng chức năng đã thu giữ những tài liệu liên quan đến hoạt động mại dâm núp bóng massage tại cơ sở này trong thời gian qua, đồng thời củng cố hồ sơ để xử lý những đối tượng liên quan theo quy định pháp luật.



Các cô gái bán dâm trong một khách sạn ở Nha Trang bị lực lượng chức năng phát hiện.



Trên đây là một trong số nhiều vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm đã được lực lượng chức năng toàn tỉnh phát hiện, xử lý trong 4 năm qua. Giai đoạn 2016 – 2020, lực lượng công an các cấp chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh triệt xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và tội phạm liên quan đến mại dâm; tiến hành rà soát các địa bàn trọng điểm, nhóm người đang hoạt động mại dâm để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm liên quan đến mại dâm; thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tiến hành kiểm tra, tuần tra truy quét các đối tượng hoạt động mại dâm, nhất là ở các địa bàn trọng điểm dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, khu vực giáp ranh. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện 21 vụ vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm với 123 đối tượng liên quan; khởi tố 21 vụ với 31 bị can về hành vi chứa, môi giới mại dâm; xử phạt hành chính 92 đối tượng với số tiền hơn 56 triệu đồng. Trên 95% vụ án sơ thẩm và phúc thẩm liên quan đến tội phạm mại dâm được thụ lý đã giải quyết, xét xử nhằm răn đe, giáo dục, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn tệ nạn mại dâm.

Tăng cường công tác phòng ngừa



Cuối năm 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 2.304 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ…), số nhân viên hơn 4.000 người. Đến giữa năm 2020, toàn tỉnh chỉ còn 1.651 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Kinh phí cho Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 là hơn 1,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho công tác phòng, chống mại dâm hàng năm từ nguồn ngân sách địa phương, bình quân khoảng 250 triệu đồng/năm. Nguồn kinh phí khác được cấp từ Trung ương, các chương trình, dự án theo kế hoạch của cấp trên và từ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong công tác phòng, chống mại dâm. 5 năm qua, lực lượng chức năng đã tiếp cận, tư vấn và chuyển gửi hơn 300 lượt người bán dâm, người có nguy cơ cao, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ can thiệp giảm hại tại cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tại cộng đồng, như: Trợ giúp xã hội, can thiệp về y tế, hỗ trợ pháp lý, dạy nghề, tạo việc làm.


Theo Chương trình hành động phòng, chống mại dâm của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh tập trung can thiệp phòng ngừa, giảm tác hại và hỗ trợ quản lý người bán dâm, người có hành vi nguy cơ cao tại cộng đồng. Cơ quan chức năng đã lồng ghép công tác truyền thông phòng, chống mại dâm với phòng, chống HIV, phòng, chống ma túy đến tận các địa bàn xã, phường, thị trấn và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Tuy vậy, tệ nạn mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp, trá hình, công tác phòng, chống mại dâm vẫn còn thiếu các chính sách, chương trình can thiệp phù hợp; công tác can thiệp giảm hại và hỗ trợ thay đổi hành vi chuyển đổi công việc cho người bán dâm và người có hành vi nguy cơ cao chưa đạt độ bao phủ. Công tác phòng, chống mại dâm cần thiết phải có sự phối hợp liên ngành, sự phân công về chức năng nhiệm vụ của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội, nhân đạo và toàn thể nhân dân.


Thành Long

 

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/phap-luat/202008/tang-cuong-cong-tac-phong-chong-mai-dam-8180437/