Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Tăng cường các giải pháp giảm tác hại của thuốc lá

Những năm qua, ngành Y tế cùng với các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội đã thực hiện truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) bằng nhiều hình thức.

Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi


Hoạt động truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động. Nghiên cứu của Quỹ PCTHTL năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố cho thấy, nhận thức về tác hại của thuốc lá phần lớn cao hơn năm 2015. Tỷ lệ người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi chiếm 96,2%, đột quỵ 81,1%, đau tim 77,8% và 72,2% tin rằng hút thuốc lá gây ra cả 3 bệnh này; 87,7% tin rằng khi hít phải khói thuốc của người khác cũng bị mắc các bệnh lý nghiêm trọng; có 65,2% người dân đã từng nghe tới Luật PCTHTL, biết được các địa điểm quy định cấm hút thuốc theo luật.



Tập huấn truyền thông về tác hại của thuốc lá.



Kết quả nghiên cứu đánh giá các chiến dịch truyền thông PCTHTL giai đoạn 2014 – 2018 của Bộ Y tế cho thấy, người hút thuốc lá nói rằng việc tiếp nhận các thông tin trong chiến dịch truyền thông khiến họ lo lắng hơn về tác hại thuốc lá lên sức khỏe bản thân (chiếm 84%) và sức khỏe gia đình họ (83%); 50% số người hút thuốc lá được hỏi cho biết họ đã nhận được lời khuyên bỏ thuốc lá từ các thành viên của gia đình mình so với 44% năm 2017. Có 70% số người hút thuốc nói rằng họ đã cố gắng bỏ thuốc lá và 61% người không hút thuốc nói rằng họ đã khuyến khích người hút thuốc bỏ thuốc khi được tiếp nhận các thông tin từ chiến dịch truyền thông.


Mỗi năm, phần lớn người hút thuốc được hỏi đều nói rằng, tiếp nhận các thông tin của chiến dịch truyền thông làm họ có xu hướng tuân thủ các quy định về môi trường không khói thuốc hơn. Phần lớn những người không hút thuốc được hỏi trả lời rằng các thông tin trong chiến dịch truyền thông khiến họ có xu hướng lên tiếng phàn nàn nhiều hơn khi hít phải khói thuốc từ người khác. Về việc tiếp cận với các kênh truyền thông: Tỷ lệ người trưởng thành được tiếp cận thông tin về PCTHTL qua truyền hình là 73,8%, trên báo hoặc tạp chí là 42,4%, qua Internet là 40,5% và trên loa phát thanh địa phương là 38,5%.

Những nội dung truyền thông


Bác sĩ Tôn Thất Toàn- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, công tác truyền thông PCTHTL cần tập trung vào các nội dung: Tác hại của việc hút thuốc, hút thuốc thụ động đối với sức khỏe (của người sử dụng, người xung quanh) môi trường sống và kinh tế; ý nghĩa của môi trường không khói thuốc, các mô hình, tấm gương thực hiện tốt các quy định về môi trường không khói thuốc; việc thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc; vận động mọi người bỏ thuốc lá tại cộng đồng; tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả và thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe của người sử dụng và ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội …


Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần truyền thông về các địa điểm cấm hút thuốc theo Luật PCTHTL; việc xây dựng môi trường làm việc, học tập không khói thuốc; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương; quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL; nghĩa vụ của người hút thuốc lá. Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật PCTHTL; quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức; quy định cấm bán thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm hút thuốc. Cùng với đó, tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không hút thuốc lá và Ngày Thế giới không hút thuốc lá 31-5; lợi ích của môi trường không khói thuốc lá; phòng ngừa sự tác động của các công ty thuốc lá vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách về PCTHTL tại Việt Nam; các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá vào trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình.


Nguyễn Thị Quế Lâm

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202209/chuong-trinh-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-tang-cuong-cac-giai-phap-giam-tac-hai-cua-thuoc-la-8264207/