Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ và Hát Xoan trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học.
Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng.
Các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.
Đến ngày 8/12, Hát Xoan Phú Thọ cũng đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Như vậy, Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó đã có: Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017), Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (được công nhận năm 2016); Nghi lễ và trò chơi Kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines (hồ sơ đa quốc gia năm 2015); Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014); Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ (2012); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010); Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009); Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005); Nhã nhạc cung đình Huế (2003). Ngoài ra Việt Nam còn có 01 di sản văn hóa khác cần bảo vệ khẩn cấp đã được UNESCO công nhận là: Ca trù.
Theo: Viet Nam Plus