Thời gian gần đây, thức ăn tươi phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khan hiếm, giá tăng cao khiến chi phí đầu tư nuôi cá, tôm và một số đối tượng khác tăng theo. Ngoài ra, việc sử dụng thức ăn tươi cũng để lại nhiều hệ lụy, gây ô nhiễm môi trường làm chết thủy sản nuôi.
Chi phí tăng
Mới đây, khi đến các vùng trọng điểm NTTS trên địa bàn tỉnh như: Cam Ranh, Cam Lâm, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Nha Trang, chúng tôi được các chủ bè nuôi cá, tôm hùm chia sẻ, thời gian gần đây, các loại thức ăn tươi khan hiếm, giá tăng cao, riêng giá cá tạp lên đến 12.000 đồng/kg (trước đây cao nhất chỉ 7.000 đồng/kg) khiến chi phí đầu tư đội lên, lợi nhuận sau khi xuất bán thủy sản không cao.
Ông Lê Văn Minh, người nuôi cá chẽm ở xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm) cho biết: “Gia đình tôi nuôi 40.000 con cá chẽm trên 4 đìa nuôi, mỗi ngày cho ăn cả tấn thức ăn tươi. Mới đây, tôi xuất bán 1 đìa, sản lượng 10 tấn, giá bán 63.000 đồng/kg, thu được 630 triệu đồng, trong đó chi phí mua thức ăn từ khi thả giống đến khi thu hoạch đã mất 450 triệu đồng, tiền điện 50 triệu đồng, tiền giống 70 triệu đồng, tính ra cả vụ nuôi tôi chỉ lãi vài chục triệu đồng. Nếu giá thức ăn không tăng cao như hiện nay thì lợi nhuận sẽ cao hơn”.
TP. Cam Ranh hiện nay có gần 30.000 lồng bè, trong đó có 20.000 lồng nuôi tôm hùm, số còn lại là nuôi cá bớp, cá mú… Mỗi ngày, lượng thức ăn tươi phục vụ NTTS tại địa phương này lên đến hàng trăm tấn. Có mặt tại bến thuyền phục vụ NTTS tại lăng Ông Nam Hải (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh), chúng tôi được bà Nguyễn Thị Bốn, người chuyên cung cấp thức ăn tươi cho các bè nuôi cá ở địa phương cho biết: “Tại khu vực này có 3 vựa bán thức ăn tươi cho các bè nuôi cá, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10 tấn cá tạp các loại. Thời gian gần đây, do các ghe giã cào trong tỉnh khai thác đạt sản lượng thấp nên thức ăn cho thủy sản chủ yếu mua từ Bình Thuận, Ninh Thuận. Chất lượng cá tạp lúc tốt, lúc xấu và giá tăng cao hơn trước đến 30 – 40%. Tuy nhiên, để duy trì nghề nuôi, người dân vẫn chấp nhận. Hiện tại, hàng chục điểm bán thức ăn tươi ven vịnh Cam Ranh đều chung tình trạng này”.
Hiện nay, tuy đã có thức ăn công nghiệp phục vụ cho các đối tượng NTTS nhưng chỉ có người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và một số ít hộ nuôi cá sử dụng, còn lại các hộ nuôi cá bớp, cá chim, tôm hùm, ốc hương, cá mú, cá chẽm… vẫn dùng thức ăn tươi là các loại cá tạp, sò, tôm loại nhỏ… Ông Phan Tấn Tý, người nuôi cá bớp ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) cho biết: “Một số hộ nuôi cá ở vịnh Vân Phong đã chuyển sang sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy loại thức ăn này có nhiều ưu điểm về chất lượng, song chi phí cao hơn khoảng 30%, trong khi giá bán thủy sản không tăng nên nhiều hộ nuôi chọn sử dụng thức ăn tươi”.
Những hệ lụy
Một thực tế hiện nay, khi thức ăn tươi khan hiếm, các loại cá tạp không đảm bảo chất lượng từ các địa phương khác cũng được đưa về để phục vụ NTTS trên địa bàn tỉnh. Điều này đã để lại nhiều nỗi lo cho người nuôi. Một trong những nguyên nhân khiến thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh chết ở nhiều vùng nuôi từ giữa năm 2016 đến nay một phần là do thức ăn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng.
Một hệ lụy khác, việc sử dụng thức ăn tươi không đảm bảo chất lượng gây ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 9.893ha NTTS, trong đó có 1.200ha nuôi thủy sản nước ngọt, gần 5.000ha nuôi thủy sản nước lợ, nuôi mặt nước ven biển khoảng 3.785ha. Riêng cá bè có khoảng 4.500 lồng, tôm hùm khoảng 25.000 lồng. Với diện tích nuôi lớn như vậy, lượng thức ăn hàng ngày cho thủy sản nuôi toàn tỉnh rất lớn. Trong khi đó, việc người dân không theo dõi kỹ khả năng bắt mồi của đối tượng nuôi, cho thừa thức ăn đã tác động lớn đến môi trường vùng nuôi. Đó là chưa kể thức ăn không đảm bảo chất lượng còn gây ra dịch bệnh khiến thủy sản nuôi bị chết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, hiện nay, nhiều vùng NTTS ven vịnh Cam Ranh đã bị ô nhiễm nặng, lớp bùn tích tụ lâu ngày từ NTTS và một số hoạt động khác có nơi lên đến gần 0,5m. Đó là chưa kể việc người nuôi vứt bừa bãi các túi ni lông đựng thức ăn khiến những thứ này trôi dạt khắp nơi, tấp vào bờ gây ô nhiễm. Từ thực tế trên, bà Trần Thanh Thúy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo, người dân nên chuyển sang sử dụng một phần thức ăn công nghiệp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; đối với thức ăn tươi cần chọn cá tươi, bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng. Trong quá trình nuôi, cần chú ý theo dõi tình trạng hoạt động, mức độ bắt mồi của đối tượng nuôi để tránh cho thừa thức ăn, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường vùng nuôi.
Bích La
Theo: Báo Khánh Hòa