Đến Nha Trang, bạn đừng chỉ lướt trên bề mặt phố biển rồi choáng ngợp trước ánh đèn rực rỡ, kiến trúc của khách sạn cao tầng dọc đường Trần Phú hay khu vui chơi ở Vinpearl Land… Thay vào đó, bạn nên chậm lại để khám phá nét đẹp ở vùng ven của thành phố biển.
Bạn có thể dậy sớm, đi tour chèo thuyền kayak theo dòng sông Cái. Buổi sáng ở vùng ngoại ô thật yên lành. Sông Cái chảy nhẹ khiến việc chèo thuyền không tốn mấy sức lực. Bạn cũng có thể dừng lại ngắm trời mây hay khung cảnh làng quê yên bình bên sông. Những mái nhà lấp ló sau rặng tre, những vườn dừa xanh bát ngát trên những cù lao cùng hương vị đồng quê mộc mạc từ bãi bồi có bắp non thơm ngát… Khi mặt trời lên cao, khách về đến cửa sông Cái ngắm cảnh xóm Bóng với ghe thuyền, chài lưới cùng những căn nhà chồ đặc trưng của miền sông nước… Rời thuyền, khách lên bờ để tham quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar – di tích văn hóa hơn ngàn năm tuổi minh chứng cho nền văn hóa Champa rực rỡ từng tồn tại ở xứ Trầm Hương.
Nếu e ngại cảnh sông nước, khách có thể thuê xe máy hoặc xe đạp ngược lên đường 23-10 rồi rẽ vào đường Lương Định Của khám phá các làng quê vùng ven Nha Trang. Không có những dòng xe tấp nập, không khói bụi…, thay vào đó là cây trái mướt xanh của các nhà vườn ở Vĩnh Ngọc, Vĩnh Thạnh. Không gì thú vị bằng việc chạy xe chầm chậm trên đường, hít căng buồng phổi để cảm nhận hương đồng nội buổi sớm mai. Trên đường đi, khách có thể ghé thăm chợ quê Vĩnh Ngọc, tạt vào hàng quán ven đường để chọn cho mình bữa ăn dân dã với bánh canh cá, bánh căn…, chuyện trò với người dân quê hồn hậu; hay dừng lại để ngắm cảnh đình làng, chùa chiền, nghe chuyện về vùng đất trù phú nhưng giàu tinh thần cách mạng.
Khách cũng có dịp ghé thăm làng Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh) – nơi có những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi với khu vườn quê xanh mát, nơi có đình làng tuyệt đẹp rộn ràng lễ hội. Nổi tiếng nhất là nhà cổ của ông Nguyễn Xuân Hải nằm trong khuôn viên một khu vườn rộng tới hơn 4.000m2. Nhà được xây dựng theo kiểu nhà Việt cổ truyền thống với 3 gian, 5 chái nối liền nhau, lợp ngói âm dương. Xung quanh nhà là khu vườn rợp bóng cây với những loại cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, mít, nhãn, mãng cầu… Khách ghé thăm cứ mùa nào thức ấy mà được thưởng thức. Khách cũng có thể mua những chiếc bình đựng nước và gáo múc nước xinh xắn được làm bằng trái dừa khô về để làm kỷ niệm…
Rời làng Phú Vinh, khách có thể đi tiếp theo đường Lương Định Của để khám phá Vĩnh Trung – vùng đất nổi tiếng có loài cá tràu thịt thơm ngon đi vào sử sách với “Cá tràu Võ Cạnh, sò huyết Thủy Triều”; có bia Võ Cạnh (bảo vật quốc gia). Khách cũng có thể rẽ sang Vĩnh Phương bên kia sông Cái để thấu hiểu hơn nữa đời sống làng quê. Những con đường nhỏ đưa khách đến với những mái nhà thâm nâu nhuốm màu thời gian đang được giữ lại trước cơn lốc đô thị hóa. Này đây là vườn rau mướt xanh, mái nhà xưa với giàn bông giấy trước sân, hàng cau thẳng tắp đón ánh nắng mai. Nếu không ngại ngần, du khách có thể bắt chuyện với những người già để hiểu thêm về lịch sử của vùng quê trù phú này…
THÀNH NGUYỄN