Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Sớm tận thu rừng gãy đổ sau bão

Cơn bão số 12 năm 2017 đã khiến cho gần 27.300ha rừng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại. Việc nhiều diện tích rừng chưa được tận thu đã khiến nguồn vật liệu cháy còn ngổn ngang, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao khi mùa khô đã cận kề.

Tại khoảnh 5, khoảnh 6 (tiểu khu 170 – xã Khánh Thượng), diện tích rừng dầu trồng năm 1997 của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa bị bão quật tả tơi, nhiều cây bị gãy đổ nằm ngổn ngang; dưới nắng nóng, cành lá đã khô quắt lại. Tại khoảnh 4 (tiểu khu 170), rừng dầu được trồng, chăm sóc bằng vốn ngân sách nhà nước từ năm 2001 của công ty cũng trong cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Tân – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Chưa năm nào chúng tôi lo lắng về nguy cơ cháy rừng như mùa khô năm nay, bởi sau cơn bão số 12, rừng bị gãy đổ rất nhiều. Tuy đã bước vào mùa phòng, chống cháy rừng nhưng hơn 1.500ha rừng bị thiệt hại do bão vẫn chưa được tận thu. Đơn vị đang cắt cử người bám sát các khu vực trọng điểm dễ cháy để theo dõi, kịp thời xử lý khi có sự cố”.

Diện tích rừng dầu của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa bị gãy đổ do cơn bão số 12.

Tại huyện Vạn Ninh, ngoài diện tích rừng trồng của người dân bị gãy đổ, còn có hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước cũng bị thiệt hại nặng. Ông Nguyễn Văn Tới – Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh cho biết: “Từ trước Tết Nguyên đán, trên địa bàn đã xuất hiện nguy cơ cháy rừng; một số đám cháy nhỏ đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, nếu không thì nhiều diện tích rừng bị gãy đổ do bão đã bị cháy. Trong khi chờ tận thu, để phòng, chống cháy đối với 817ha rừng phòng hộ được đầu tư từ ngân sách nhà nước, chúng tôi đang tiến hành phân lô, làm ranh, cắt cử người theo dõi chặt các diện tích rừng này”.

Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, phần lớn diện tích rừng trồng của các chủ rừng nhà nước tiếp giáp với đất sản xuất của người dân. Trong quá trình canh tác, người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên đốt nương làm rẫy; một số người khi đi rừng thường sử dụng lửa một cách bất cẩn…; trong khi hiện nay, các chủ rừng chưa tận thu, thanh lý, thu gom nguồn vật liệu dễ cháy nên nguy cơ cháy rừng rất cao.

Trước thực tế này, điều các chủ rừng mong muốn là hồ sơ, thủ tục liên quan đến việc thanh lý, tận thu các diện tích rừng thuộc sở hữu Nhà nước cần sớm được hoàn tất, một khi chưa có quyết định cho phép của UBND tỉnh thì toàn bộ rừng gãy đổ do bão vẫn tiếp tục bị phơi nắng. Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa, đối với hơn 1.500ha rừng bị thiệt hại của công ty, tổ giám định của tỉnh đã tiến hành giám định, hồ sơ đang được hoàn tất để trình UBND tỉnh cho chủ trương. Khi UBND tỉnh có quyết định cho phép, công ty sẽ tiến hành ngay việc tận thu để nộp ngân sách nhà nước; thu gom nguồn vật liệu cháy ra khỏi rừng. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tới, đối với diện tích rừng bị thiệt hại của Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh, hiện nay, UBND tỉnh đã cho phép tận thu. Đơn vị đang triển khai việc thu dọn các diện tích đủ tuổi khai thác, những diện tích không đủ tuổi để tận thu thì thu dọn để tránh cháy rừng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với diện tích rừng hơn 15.700ha thuộc chủ rừng nhà nước bị thiệt hại, việc thẩm định những diện tích các chủ rừng xin thanh lý, tận thu đang được các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành. Đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định cho phép thanh lý đối với diện tích rừng trồng từ vốn ngân sách nhà nước của Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh và Ban quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm; các chủ rừng nhà nước khác đang tiếp tục thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh. Một vấn đề được cơ quan chức năng của tỉnh đặt ra trong việc giám định thiệt hại rừng sau bão là khẩn trương nhưng phải chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định, chỉ thanh lý, tận thu những diện tích không có khả năng phục hồi thành rừng.

BÍCH LA

Theo: Báo Khánh Hòa