Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Số liệu điều tra về doanh nghiệp: Góp phần để định hướng phát triển kinh tế

Theo kết quả Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 do Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa vừa công bố, số lượng doanh nghiệp (DN) tăng nhưng số lượng lao động làm việc trong các DN lại có xu hướng giảm. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng trong việc đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương.

Số lượng doanh nghiệp tăng


Tính đến ngày 31-12-2020, toàn tỉnh có 8.412 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, tăng 8,12% so với năm 2019, tăng 40,34% so với năm 2016. Theo loại hình DN, khu vực DN ngoài nhà nước tập trung 8.308 DN, chiếm 98,76% tổng số DN toàn tỉnh, tăng 8,16% so với năm 2019 và tăng 40,79% so với năm 2016; có 65 DN FDI, chiếm 0,78% tổng số DN, tăng 25% so với năm 2016. Do chủ trương cổ phần hóa, các DN nhà nước liên tục giảm trong giai đoạn này; đến cuối năm 2020 chỉ còn 39 DN nhà nước, chiếm 0,46% tổng số DN, giảm 4,88% so với năm 2016. Các DN thuộc khu vực dịch vụ luôn có số lượng lớn nhất, chiếm 69,44% tổng số DN toàn tỉnh, tăng 35,37% so với năm 2016. DN trong khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 29,09%, tăng 51,14% so với năm 2016. Số lượng DN trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 1,47% nhưng tốc độ tăng trưởng lên đến 106,67% so với năm 2016.



Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Thực phẩm cao cấp SanestFood (Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa).



Tính theo đơn vị hành chính, số lượng DN phát triển nhiều tại TP. Nha Trang với 6.009 DN, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa 670 DN, huyện Diên Khánh 652 DN, TP. Cam Ranh 539 DN, huyện Cam Lâm 257 DN, huyện Vạn Ninh 185 DN, huyện Khánh Vĩnh 78 DN, huyện Khánh Sơn 22 DN. Số lượng DN tại các địa phương đều tăng trong giai đoạn 2016 – 2020, chỉ có huyện Khánh Vĩnh giảm 1,27%. Các địa phương: Cam Lâm, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh có tốc độ tăng bình quân số lượng DN hàng năm thuộc tốp cao của tỉnh.

Lao động giảm mạnh do đại dịch



Tại hội nghị tổng kết và công bố kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 được tổ chức vừa qua, ông Lê Hữu Hoàng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thống kê tỉnh tiếp tục xử lý, tổng hợp, hoàn thiện số liệu chính thức; cung cấp đến các cơ quan, đơn vị để sử dụng thông tin theo quy định. Các sở, ban, ngành, địa phương thống nhất sử dụng số liệu từ cuộc tổng điều tra này để làm căn cứ đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. 

Giai đoạn 2016 – 2019, số lượng DN tăng đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Giai đoạn này, các DN đã thu hút thêm 27.710 lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong DN lên 176.405 người, với tốc độ tăng bình quân 4,12%/năm. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các DN, lần đầu tiên trong nhiều năm, số lao động giảm mạnh. Thời điểm cuối năm 2020, số lao động trong DN chỉ còn 147.974 người, giảm 16,12% so với năm 2019, kéo tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2016 – 2020 giảm xuống còn -0,28%. Cuộc tổng điều tra cũng cho thấy, số lượng lao động làm việc trong DN ngoài khu vực nhà nước và FDI có xu hướng tăng, ngược lại lao động làm việc trong DN nhà nước giảm chậm; số lượng lao động làm việc trong các DN công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số lao động toàn tỉnh.


Bà Lê Thị Trúc Phương – Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, trong Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021, Cục Thống kê thực hiện điều tra 4 loại đơn vị gồm: DN, hợp tác xã; cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo tín ngưỡng. Sở Nội vụ chủ trì thu thập, tổng hợp thông tin của các đơn vị điều tra là cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể. Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cho các số liệu về số lượng cơ sở, lao động và cơ cấu đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy mới chỉ là kết quả sơ bộ nhưng cơ bản đã phản ánh đúng thực trạng, xu hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh cũng như của từng huyện, thị xã, thành phố trong thời gian qua, đặc biệt là kết quả về số lượng DN và số lao động làm việc tại các DN. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành nắm bắt được số liệu của toàn bộ khu vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Từ đó, có đánh giá thực trạng từng ngành, từng lĩnh vực để định hướng phát triển kinh tế ở địa phương.


MAI HOÀNG

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202206/so-lieu-dieu-tra-ve-doanh-nghiep-gop-phan-de-dinh-huong-phat-trien-kinh-te-8254343/