Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị nghe báo cáo về mô hình Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại tỉnh theo hướng trung tâm trực thuộc UBND tỉnh nhằm nâng tầm hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư cho tỉnh.
Hạn chế của 2 trung tâm trực thuộc sở
Để thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN), tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương. Hai trung tâm này là đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều lần được kiện toàn, làm đầu mối giúp các sở triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và hỗ trợ phát triển DN.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức được nhiều hoạt động xúc tiến, kết nối và quảng bá thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông, thủy, hải sản. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ phát triển DN, góp phần thu hút đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, Khu Công nghiệp Suối Dầu, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, các cụm công nghiệp… Trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh thu hút được 194 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký 177.357 tỷ đồng. Trong đó, có 97 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 78.750 tỷ đồng. Các dự án lớn gồm: Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 của Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) với tổng vốn 56.437 tỷ đồng; Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh 4.500 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh 2.500 tỷ đồng; Cảng tổng hợp Nam Vân Phong 894 tỷ đồng và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh…
Theo đánh giá của UBND tỉnh, tuy đã có những thành công nhất định nhưng nhìn tổng quan, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác xúc tiến chủ yếu thông qua đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở nên bị phân tán, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng danh mục, kế hoạch và tổ chức triển khai. Bộ máy hiện nay chưa xứng tầm với yêu cầu xúc tiến đầu tư chiến lược, chưa đủ địa vị pháp lý, cơ chế, chức năng và nhân lực để điều phối hoạt động xúc tiến ở cấp tỉnh. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tỉnh chưa kết nối được chiến lược – quy hoạch – kế hoạch – đầu tư, chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh.
Sẽ thành lập trung tâm xúc tiến thuộc UBND tỉnh
Với yêu cầu cấp bách của việc triển khai Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, việc tổ chức lại các đầu mối xúc tiến đầu tư của tỉnh để xứng tầm với nhiệm vụ xúc tiến đầu tư trong giai đoạn mới là yêu cầu khách quan. Điều này sẽ tạo đột phá, khơi thông và huy động kịp thời, hiệu quả các nguồn lực lớn trong, ngoài nước để hiện thực hóa các quy hoạch của tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh cơ bản thống nhất về định hướng thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh điều hành, hoạt động với cơ chế, đặc thù riêng để tổ chức triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu khi trung tâm ra đời sẽ thực hiện thống nhất, đồng bộ chức năng, nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, thương mại theo mô hình tiên tiến, hiện đại; có tổ chức bộ máy phù hợp, đội ngũ nhân lực có năng lực chuyên môn cao, cơ chế hoạt động hiệu quả, chiến lược và công cụ chuyên nghiệp để tiếp cận với thị trường các nhà đầu tư theo từng lĩnh vực, khu vực khác nhau trong nước và trên thế giới. Bên cạnh đó, trung tâm xúc tiến phải phù hợp với lộ trình, mục tiêu phát triển, vùng động lực và các dự án, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh theo quy hoạch. Đặc biệt, sự ra đời của trung tâm xúc tiến nhằm tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội, nhất là thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, góp phần tinh gọn đầu mối, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ông Nguyễn Tấn Tuân – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã sẵn sàng nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại tỉnh. Về nhân lực cho trung tâm, đội ngũ cán bộ, chuyên viên của tỉnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc; một số vị trí cần nhân lực chất lượng cao sẽ được tuyển dụng. Việc thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại trực thuộc tỉnh để công tác xúc tiến đầu tư đạt hiệu quả cao nhất, xứng đáng với tiềm năng sẵn có; hướng đến mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành một trong những tỉnh có năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước.
Ông Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tiến hành xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại tỉnh Khánh Hòa. Việc thành lập trung tâm phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của tỉnh, hướng tới đạt mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã đề ra. Trung tâm phải có 3 nhiệm vụ cơ bản, gồm: Xúc tiến hỗ trợ nhà đầu tư; theo dõi và tham mưu UBND tỉnh để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tư vấn đầu tư. Mô hình trung tâm được tổ chức theo hướng trực thuộc UBND tỉnh. Cơ chế hoạt động đảm bảo nguyên tắc có sự xuyên suốt từ trên xuống; cơ chế phối hợp công khai, minh bạch được cụ thể hóa bằng văn bản theo hướng chính quyền quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Về nhân lực, phải lựa chọn kết hợp giữa các cán bộ có kinh nghiệm với những người có trình độ, ngoại ngữ, năng động, nhiệt huyết thông qua tuyển dụng. |