Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Viện III) vừa phối hợp với Đại học USC (Úc) thực hiện dự án Nâng cao sản xuất hải sâm giá trị cao thông qua công nghệ phân tử. Dự án đã sản xuất thành công giống hải sâm vú trắng quý hiếm, mở ra cơ hội cho người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.
Mở ra cơ hội sinh kế
Hiện nay, nghề nuôi hải sâm ở Việt Nam cần tới 20 triệu con hải sâm giống, nhưng trong nước chỉ chủ động được khoảng 1 triệu con giống hải sâm cát phục vụ nhu cầu của người nuôi, còn con giống hải sâm vú trắng có giá trị gấp 5 lần hải sâm cát vẫn còn khó khăn. Để nghiên cứu nhân giống hải sâm vú trắng, Viện III đã phối hợp với Đại học USC thực hiện dự án Nâng cao sản xuất hải sâm giá trị cao thông qua công nghệ phân tử.
Với việc sử dụng hóc-môn sản xuất tại Đại học USC, được chiết xuất từ dây thần kinh của chính loài hải sâm, sau đó cấy vào nấm men nhân lên với quy mô lớn trong phòng thí nghiệm có hiệu quả kích thích sinh sản cao và không ảnh hưởng đến sức khỏe của con hải sâm vú trắng bố mẹ. Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy – chủ nhiệm dự án cho biết: Việc sử dụng hóc-môn thay cho phương pháp truyền thống đã kích thích sinh sản hải sâm vú trắng thành công vượt trội. Dự án đã sản xuất gần 20.000 con giống phục vụ các thí nghiệm và nuôi thử nghiệm thương phẩm trên lồng bè tại Khánh Hòa, Quảng Ninh với 3 hộ dân tham gia.
Ông Nguyễn Đức Thoại (thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) nuôi thử nghiệm hải sâm vú trắng trên lồng bè cho hay, sau 8 tháng nuôi, từ con giống với trọng lượng khoảng 0,3gram đã tăng lên đạt trọng lượng 60gram, tỷ lệ sống đạt 92%. Việc sản xuất thành công giống hải sâm vú trắng sẽ mở ra cơ hội tạo sinh kế cho người nuôi trồng thủy sản trong tỉnh thời gian tới.
Giảm áp lực khai thác tự nhiên
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản, việc sản xuất thành công hải sâm vú trắng sẽ giúp đa dạng giống thủy sản, giảm áp lực khai thác tự nhiên, đặc biệt phục vụ cho định hướng chiến lược phát triển thủy sản của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, hải sâm vú trắng thường phân bố ở độ sâu hàng chục mét nên việc thả nuôi trong lồng bè ở độ sâu thấp, liệu có thật sự mang lại hiệu quả cần phải có đánh giá cụ thể. Về vấn đề này, các nhà khoa học cho rằng, trước đây, hải sâm vú trắng phân bố rất nhiều ở vùng cạn. Tuy nhiên, do quý hiếm và khai thác quá mức nên hải sâm phân bố độ sâu ngày càng cao. Do đó, việc nuôi hải sâm vú trắng trong lồng bè là rất khả quan, giúp cải tạo môi trường rất tốt.
Hiện nay, đầu ra của đối tượng hải sâm vú trắng chủ yếu do Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam thu mua. “Sản phẩm của Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam 90% phục vụ xuất khẩu các thị trường: Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và sắp tới sẽ mở rộng thị trường tại Mỹ, Trung Quốc… Bên cạnh chế biến hải sâm khô, công ty còn sản xuất các sản phẩm mà người tiêu dùng có thể cắt lát sử dụng tươi. Hiện nay, công ty đẩy mạnh thu mua tại Khánh Hòa và Phú Yên. Công ty đủ sức bao tiêu sản phẩm cho người nuôi hải sâm vú trắng”, ông Lê Thanh Nhàn – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hải sâm Việt Nam nói.
BÍCH LA
Theo: Báo Khánh Hòa
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202104/san-xuat-thanh-cong-giong-hai-sam-vu-trang-8213841/