Trong vòng 10 năm trở lại đây, chưa bao giờ ngành công nghiệp của tỉnh Khánh Hòa có mức tăng trưởng cao như thời gian vừa qua. Sự tăng trưởng này đang góp phần phục hồi kinh tế chung sau đại dịch.
Tăng trưởng ấn tượng
9 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 25,36% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây (mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 7-8%). Trong năm nay, mức tăng của quý sau luôn cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14,94%; quý II tăng 18,12%; đến quý III tăng tới 49,08%. Sở dĩ ngành công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng ấn tượng một phần do năm 2021 ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, sản xuất đình trệ khiến mức tăng trưởng thấp. Trong 9 tháng năm 2022, sản xuất khôi phục mạnh mẽ đã tạo nên mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Sanh Đương – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Bên cạnh yếu tố khách quan thì từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự phục hồi và phát triển mạnh; nhu cầu tiêu dùng của thị trường dần ổn định và tăng trở lại, tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất các mặt hàng tiêu dùng tăng trưởng. Điển hình như: sản xuất đồ uống tăng 29,37% do hoạt động dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn phát triển mạnh sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 20,56%, đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó chế biến và bảo quản thủy sản tăng 18,82% do nhu cầu tiêu dùng sau đại dịch tăng cao, các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy hiệu quả, xuất khẩu thủy sản tăng”.
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm giúp các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp nói riêng có điều kiện phát triển, thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy mạnh theo dõi, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án trọng điểm của tỉnh, như: Giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và đường dây 220kV Nha Trang – Tháp Chàm; phối hợp với các đơn vị thẩm định di dời những công trình điện liên quan đến Dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông và Đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).
Từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Cụm Công nghiệp Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh). Đồng thời, sở chịu trách nhiệm thẩm định và báo cáo UBND tỉnh về điều chỉnh quyết định thành lập Cụm Công nghiệp Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa); tổng hợp tình hình hoạt động, những khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Sanh Đương, trong 3 tháng cuối năm, bên cạnh các nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Công Thương còn tập trung xây dựng Kế hoạch khuyến công địa phương năm 2023; Chương trình xúc tiến thương mại năm 2023; Kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 của ngành Công Thương. Cùng với đó, sở sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện của các đơn vị trong quá trình triển khai Đề án khuyến công năm 2022; tổ chức khảo sát, kiểm tra, nghiệm thu các đề án khuyến công địa phương.
Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát tham mưu quy trình một cửa liên thông trong cung cấp điện đối với lưới điện trung áp trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện đáp ứng đủ năng lượng cho sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh…
ĐÌNH LÂM
Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202210/san-xuat-cong-nghiep-tang-truong-manh-8266801/