Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Sản phẩm nông lâm thủy sản: Cần tăng cường chế biến sâu

Chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu

Khánh Hòa có nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản như: cá, tôm, rong biển, mây, tre, sa nhân, lúa gạo, mía đường, trái cây… Ngoài ra, còn có nhiều đặc sản quý như: trầm hương, yến sào, tôm hùm, sò huyết, nai khô, mắm, dược liệu… Tuy nhiên, hiện nay, hàm lượng chế biến sâu, chế biến tinh còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Ngoại trừ một số doanh nghiệp (DN) lớn, tài chính mạnh, hầu hết các cơ sở, DN nhỏ chưa quan tâm cho lĩnh vực chế biến sâu. Đơn cử như huyện Cam Lâm có vựa xoài lớn nhất tỉnh với khoảng 5.000ha, năng suất xoài bình quân 7 tấn/ha, sản lượng hàng chục ngàn tấn/năm, nhưng đến nay vẫn chủ yếu là xuất thô, không có nhà máy chế biến đúng nghĩa. Trên địa bàn có Công ty EMU (Úc) thu mua xoài nhưng không thể cạnh tranh với thương lái Trung Quốc. Kết quả là người trồng xoài gánh chịu khi quả xoài bị rẻ rúng. 

Sản xuất rong mơ tại doanh nghiệp Trí Tín.

 
Ông Lê Nhứt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đại Dương VN cho biết, đơn vị đã hợp tác, liên kết với các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm mới. Tiêu biểu là sản phẩm rong nho tách nước bảo quản ở nhiệt độ 10 – 150C, có thể giữ được trong 6 tháng, được chuyên gia Nhật đánh giá cao. Với sản phẩm này, nông dân không còn lo tình trạng không tiêu thụ được sản phẩm, mà còn làm tăng giá trị gia tăng, lợi nhuận. 1kg rong nho nguyên liệu hiện có giá 30.000 đồng nhưng 1kg rong nho tách nước có giá tới 5USD (115.000 đồng), lại không lo về vấn đề bảo quản và vận chuyển. Nhiều công ty Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và sắp tới là Đức là bạn hàng của Đại Dương VN. Hiện nay, tốc độ chế biến rong biển đạt 100 tấn/năm, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Đơn vị cũng đang thử nghiệm nhiều sản phẩm mới như: kim chi rong biển, canh rong biển, trứng hải sâm…

 
Cơ sở sản xuất chế biến Ngọc Thưởng (xã Cam Thành Nam, TP. Cam Ranh) của ông Trần Văn Ân với sản phẩm rong nho, dưa kiệu được tỉnh công nhận là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu nhiều năm liền. Hiện nay, cơ sở đã nghiên cứu thành công dưa kiệu tách nước, đựng trong giấy bạc, hút chân không, có thể bảo quản lâu, vận chuyển tiện lợi. Ngoài ra, cơ sở hình thành một số sản phẩm mới như: xoài dẻo, xoài khô dưới tên DN mới là Công ty TNHH Top Food. Năng lực sản xuất xoài sấy thành phẩm 2 tấn/tháng; kiệu tách nước 20 tấn/tháng, chủ yếu vào dịp Tết.

Tăng cường các giải pháp

Năm 2017 – 2018, nhằm hỗ trợ các đơn vị đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, góp phần gia tăng giá trị sản xuất, nguồn quỹ khuyến công của Trung ương và tỉnh mỗi năm hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng, thực hiện 16 đề án.

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) cho biết, nhận thức được vấn đề này, sở đã tham mưu tỉnh chỉ đạo định hướng phát triển. Gần đây, sở đặt hàng cho các viện, trường nghiên cứu, triển khai hàng loạt đề tài về chế biến sâu như: chiết xuất Fucoidan làm thực phẩm chức năng từ rong mơ, rong nâu; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa chế biến thành công dịch chiết cô đặc yến, đang hướng tới chế biến sâu hơn sản phẩm dược, mỹ phẩm; chiết xuất Lectin làm dược phẩm, thực phẩm chức năng từ cây tỏi; chiết xuất Polyphenol, Chlorophyll từ thân lá cây bắp chế tạo thực phẩm hòa tan; chiết xuất Lutein từ hoa vạn thọ để làm thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, hiện nay, một số đề tài còn vướng ở khâu nhân rộng, tìm kiếm thị trường.

Thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều dự án tiềm năng như: chế biến rong sấy khô, cán mỏng làm thực phẩm ăn liền; tìm đầu ra cho một số sản phẩm đã nghiên cứu thành công; khuyến khích một số đề tài của Chương trình Kinh tế biển chiết xuất một số hoạt tính sinh học quý hiếm làm nguyên liệu cao cấp; liên kết với các viện, trường đại học nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thế mạnh của Khánh Hòa; khuyến khích DN thành lập Quỹ KH-CN…

Ở góc độ người sản xuất, nhiều chủ cơ sở mong muốn tỉnh chỉ đạo các nhà khoa học tăng cường giao lưu, tìm hiểu thực tế sản xuất hiện nay, tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất, phối hợp xây dựng ngân hàng ý tưởng hay bộ dữ liệu nhu cầu. Từ đó, huy động các chuyên gia phối hợp đi sâu vào lĩnh vực thực tế đang đặt ra, góp phần nâng giá trị cũng như tính cạnh tranh cho sản phẩm.

V.LẠC

Theo: Báo Khánh Hòa