Dự án sản xuất thử nghiệm “Chế tạo thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp (SRFI)” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và đánh giá xuất sắc. Thiết bị đã thể hiện được tiện ích và ưu điểm vượt trội, góp phần giảm thời gian xử lý sự cố, hỗ trợ công tác quản lý vận hành và điều độ hệ thống điện phân phối.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lâm – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC), chủ nhiệm dự án, trước đây, khi có sự cố xảy ra trên lưới điện trung thế, khâu phát hiện điểm xảy ra sự cố đều phải thực hiện bằng thủ công, tập hợp nhiều nhân lực đến hiện trường tìm và cách ly điểm sự cố ra khỏi hệ thống để sửa chữa. Năm 2008, Điện lực Khánh Hòa đã ứng dụng thiết bị chỉ thị sự cố Flite 11x-SA của hãng Schneider để thay thế cho hoạt động tìm điểm sự cố trên lưới điện trung thế nhằm nâng cao độ tin cậy. Bước đầu, thiết bị đã phát huy hiệu quả, xác định nhanh hơn điểm sự cố. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, thiết bị đã phát sinh một số nhược điểm như: sự linh hoạt trong tùy chọn chỉ báo và truyền tín hiệu rất thấp (do thiết bị chỉ cảnh báo bằng đèn), việc tìm kiếm phải dựa vào đèn, thời gian tìm kiếm kéo dài; giá thành thiết bị cao…
Từ những hạn chế trên, cuối năm 2017, UBND tỉnh đã đặt hàng cho KHPC nghiên cứu dự án sản xuất thử nghiệm “Chế tạo thiết bị chỉ thị và cảnh báo sự cố trên lưới điện trung áp”. Sau 15 tháng triển khai, nhóm đã nghiên cứu thành công thiết bị chỉ báo sự cố lưới điện trung áp với nhiều tính năng sáng tạo và hữu ích. Cụ thể, thiết bị vừa chỉ thị sự cố bằng đèn tại chỗ vừa gửi tin nhắn đến các cá nhân, bộ phận quản lý thông qua tin nhắn cảnh báo (SMS) và hiển thị trực quan trên màn hình máy tính HMI, giúp bộ phận chuyên trách sớm phát hiện điểm sự cố, nhanh chóng khoanh vùng, cô lập khu vực bị sự cố, từ đó rút ngắn thời gian xử lý. Nhân viên trực ban điều độ công ty có thông tin sớm để điều hành cung cấp điện lại cho khách hàng, tránh mất điện kéo dài. Ngoài ra, với việc tự nghiên cứu, thiết kế phần mềm, phần cứng và sử dụng nguồn lực sẵn có nên chi phí sản xuất thấp. Vì vậy, giá thành của thiết bị SRFI chỉ bằng 30 đến 50% so với thiết bị ngoại nhập; đồng thời không tốn chi phí mua sắm thêm các bộ thu phát tín hiệu hoặc thiết bị đầu cuối truyền tin để cảnh báo sự cố từ xa. Bên cạnh đó, thiết bị sản xuất trong nước sẽ giúp các đơn vị điện lực giảm chi phí bảo hành sửa chữa, nâng cấp chức năng theo yêu cầu so với thiết bị ngoại nhập.
Trên cơ sở kết quả của dự án, công ty đã sản xuất thử nghiệm hoàn thiện 100 thiết bị SRFI. Thiết bị được Trung tâm Kỹ thuật đo lường tiêu chuẩn 2 và 3 kiểm định, thử nghiệm đạt yêu cầu. Hiện nay, thiết bị được lắp đặt tại 4 điện lực thuộc KHPC gồm: Ninh Hòa 27 bộ; Diên Khánh – Khánh Vĩnh 24 bộ; Cam Lâm 24 bộ; Cam Ranh – Khánh Sơn 25 bộ. Sau thời gian lắp thử nghiệm, thiết bị ghi nhận và cảnh báo sự cố 27 lần, trong đó 23 lần tác động gửi tin nhắn chính xác, chiếm tỷ lệ 85,18%. Qua thời gian vận hành và khai thác thực tế, tại nhiều khu vực địa hình phức tạp trên địa bàn tỉnh, thiết bị vận hành ổn định, hiệu quả.
Theo tính toán của dự án, giá thành của SRFI ước tính 3,58 triệu đồng/thiết bị; trong khi thiết bị ngoại nhập có tính năng cảnh báo từ xa tổng cộng chi phí khoảng 14 triệu đồng/thiết bị. Như vậy, khi sử dụng 1 bộ SRFI sẽ tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng/thiết bị so với thiết bị ngoại nhập.
|
Ông Cao Nguyên Giáp – Giám đốc Điện lực Ninh Hòa cho biết: “Từ khi đơn vị lắp đặt SRFI đến nay, thiết bị đã cảnh báo 7 lần sự cố. Các lần cảnh báo đều chính xác sự cố lưới điện, giúp anh em nhanh chóng phát hiện điểm bị sự cố, rút ngắn thời gian sửa chữa và khôi phục nhanh lưới điện cung cấp cho người dân. Trước kia, khi có sự cố lưới điện, anh em phải đi tìm từng khu vực, mất khá nhiều thời gian, nhân lực, dẫn đến kéo dài thời gian cung cấp điện cho người dân”.
Các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá, dự án là một trong những giải pháp có tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý – vận hành của ngành điện. Kết quả dự án cho thấy, thiết bị đã thể hiện được tiện ích và ưu điểm vượt trội, góp phần giảm thời gian xử lý sự cố, hỗ trợ công tác quản lý vận hành và điều độ hệ thống điện phân phối. Nhờ đó, ngành điện có thể nâng cao năng lực giám sát quản lý lưới điện, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng.
CẨM VÂN
Theo: Báo Khánh Hòa