Hiện nay, nhiều đối tượng sử dụng mạng xã hội để rao bán tiền giả, đồng thời giở các chiêu để lừa đảo người hám lợi.
1 triệu đồng tiền thật được 15 triệu đồng tiền giả!
Vào một ngày, điện thoại của Tư có tin nhắn: “Bạn muốn đổi bao nhiêu tiền?” từ nickname Shop Đổi Tiền Giả. Tư nhắn lại: “Tôi cần đổi 30 củ, thanh toán và nhận hàng sao bạn?”. Ngay lập tức, Shop Đổi Tiền Giả báo lại: “30 triệu đồng tiền giả = 2 triệu đồng tiền thật. Hàng có trong ngày nhé. Có shipper ship xuống cho bạn tại địa chỉ bạn gửi. Bạn đặt cọc mình 40% nha, hàng đến bạn mới thanh toán phần còn lại nhé”. Sau hồi nghĩ suy, Tư quyết định giảm số tiền giả định mua xuống chỉ còn 15 triệu đồng. Shop Đổi Tiền Giả vẫn đồng ý và thông báo: “Bạn chỉ cần đặt cọc bằng thẻ cào điện thoại, tức cào mã số gửi qua Messenger trước. Mình chỉ nhận card Vina nhé”. Tư đến tiệm bán card điện thoại của một người bạn hỏi mua, nhưng người bạn cho rằng Tư đang bị lừa vì thông thường buôn bán qua mạng không ai đặt cọc bằng card điện thoại mà chỉ chuyển khoản hay giao hàng trực tiếp rồi trả tiền.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết có rất nhiều người đã nhận được tin nhắn kiểu này. Đa số đều bỏ qua nhưng không loại trừ có người quan tâm, thử thời vận và nhận quả lừa.
Bà Bùi Thanh Thủy – Trưởng Ban quản lý chợ Ga, xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang cho biết, mới đây, cả chợ nháo nhác khi thấy một người bán cá ở giữa chợ hô hoán: “Bắt, bắt lấy kẻ lừa đảo. Nó lấy tiền giả để mua hàng đó bà con”. Người phụ nữ này bị người dân giữ lại và phát hiện người này dùng tiền giả mệnh giá 200.000 đồng mua hàng. Lúc này, những tiểu thương vừa bán hàng cho phụ nữ này cũng mới phát hiện mình vừa bị trả tiền giả. Cùng thời điểm này, phía bên ngoài chợ Ga cũng phát hiện một phụ nữ đang giữ đến 5 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng khi mua một số thực phẩm.
Sau vụ việc trên, chợ Ga đã phát thông báo trên loa để cảnh báo cho người dân về thủ đoạn của những kẻ dùng tiền giả mua hàng. “Với mục đích đổi lấy tiền thật nên các đối tượng chỉ mua một vài loại hàng hóa, thực phẩm với số lượng ít để được thối lại tiền thật. Nhiều người do quá bận rộn bán hàng nên bỏ qua khâu kiểm tra nên bị đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”, bà Thủy cho biết.
Cần nâng cao cảnh giác
Khi tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được Trung tá Trần Quốc Ân – Đội Kiểm tra hướng dẫn pháp luật và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc Phòng An ninh điều tra (PA92, Công an tỉnh) cho biết, cuối năm 2016, PA92 Công an tỉnh triệt phá thành công vụ án làm tiền giả với mệnh giá thấp 5.000 đồng. Thay vì làm tiền mệnh giá lớn thì đối tượng Hải lại làm ra loại tiền giả mệnh giá thấp để bán cho nhiều đối tượng trên mạng xã hội với tổng số tiền giả lên đến 23,4 triệu đồng.
Giở tập hồ sơ các vụ án về tiền giả, Trung tá Phan Bình Dương – Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh cho biết, hiện nay, nhiều đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để rao bán tiền giả. Tuy nhiên, trong số này chủ yếu là lập ra để lừa lấy card điện thoại của những người hám lợi. “Cũng có các đối tượng không phải ở Khánh Hòa lên mạng xã hội, thậm chí vào các Fanpage có nhiều người theo dõi ở Khánh Hòa để rao bán tiền giả. Chúng tôi khuyến cáo người dân, mọi hành vi mua bán liên quan đến tiền giả đều vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015”, Trung tá Phan Bình Dương khẳng định.
Thành Long
Theo: Báo Khánh Hòa