Năm 2019, người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã chuyển đổi hơn 1.000ha cây trồng. Đây cũng là lúc chính sách hỗ trợ của Nhà nước đang được rà soát và nhiều khả năng sẽ tiếp tục thay đổi để phù hợp hơn nữa với nhu cầu thực tế.
Mỗi năm chuyển đổi khoảng 1.000ha
Tại thị xã Ninh Hòa, hàng chục năm qua, lúa và mía là 2 cây trồng chủ lực với diện tích mỗi loại trên dưới 12.000ha. Tuy nhiên, khi lúa và mía không thể đảm bảo đời sống kinh tế cho người dân, nhu cầu chuyển đổi cây trồng diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn ở địa phương này, nhất là khi chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng được tỉnh triển khai từ năm 2017. Từ 62ha cây hàng năm được chuyển đổi, chưa có diện tích cây lâu năm nào được người dân đăng ký chuyển đổi trong năm 2017, con số này đã nhảy vọt lên gần 319ha trong năm 2018. Trong đó, có hơn 120ha người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả từ vườn rẫy tạp. Đến thời điểm này, ước khoảng 450ha đã được người dân Ninh Hòa chuyển sang cây trồng mới. Một ít diện tích mía đường được người dân tách ra, trồng mít, bưởi, bơ, dừa… Ở địa hạt cây hàng năm, các tổ hợp tác trồng hẹ được thành lập; hàng chục héc-ta lúa giống có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; hàng chục héc-ta lúa chất lượng cao, an toàn được xây dựng theo chuỗi giá trị toàn bộ các khâu từ gieo hạt cho đến đưa sản phẩm gạo ra thị trường…
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong 3 năm qua, mỗi năm, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi bình quân khoảng 1.000ha đất canh tác. Trong đó, 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh luôn dẫn đầu toàn tỉnh trong việc chuyển từ vườn rẫy tạp, cây lâu năm kém hiệu quả sang cây ăn quả. Ngược lại, các địa phương khác đang tập trung chuyển đổi từ đất hàng năm kém hiệu quả, không chủ động nước tưới sang cây rau màu.
Điều đáng mừng là hoạt động chuyển đổi không chỉ diễn ra ở việc trồng cây khác thay thế, mà cả quy mô, hình thức sản xuất cũng được người dân liên kết với nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng lên một tầm cao mới.
Diện tích hỗ trợ còn hạn chế
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020 được UBND tỉnh ban hành vào năm 2017. Chính sách này được tỉnh sửa đổi vào các năm 2018 và 2019 theo hướng phù hợp hơn. Chẳng hạn như năm 2018, diện tích chuyển đổi cây trồng không nhất thiết phải liền kề nhau như trước đó. Hay sang năm 2019, một số thủ tục thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm được tỉnh sửa đổi theo hướng đơn giản, thuận lợi hơn cho người dân.
Trong các năm 2017, 2018 và 2019, cùng với vốn đối ứng của người dân hơn 57 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đã chi hỗ trợ tổng cộng gần 43 tỷ đồng để phục vụ cho việc chuyển đổi cây trồng ở diện tích hơn 1.600ha. Dẫu vậy, con số chuyển đổi thực tế trong 3 năm qua là gần 3.200ha, như vậy có gần 1.600ha người dân chuyển đổi cây trồng nhưng chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo chính sách này, mức hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vào khoảng 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Với việc đầu tư xây dựng mới hệ thống tưới nước tiết kiệm phục vụ sản xuất, Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí nhưng không quá 10 triệu đồng/ha đối với cây lâu năm và không quá 20 triệu đồng/ha đối với cây hàng năm. |
Đơn cử như tại huyện Cam Lâm, năm 2017 và 2018, người dân trên địa bàn huyện đăng ký chuyển đổi tương đối nhiều. Tuy nhiên, diện tích đăng ký chuyển đổi nhỏ lẻ, rải rác nên chưa hộ nào đáp ứng đủ diện tích theo quy định (2ha cây hàng năm hoặc 5ha trở lên đối với cây lâu năm). Ngoài ra, một số hộ đề nghị được chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm là chưa phù hợp với quy định, do vậy chưa có hộ nào được hỗ trợ. Năm 2019, huyện đã phê duyệt hỗ trợ cho 3 tổ hợp tác trên địa bàn xã Cam Hòa chuyển từ trồng lúa sang trồng sen, kiệu và khoai sáp cho 30 hộ với tổng diện tích hỗ trợ là 11ha, kinh phí hỗ trợ hơn 186 triệu đồng.
Cuối tháng 9-2019, Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát tình hình triển khai việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn giai đoạn 2017 – 2020 trên địa bàn tỉnh. Kết quả khảo sát cho thấy đây là một chính sách quan trọng, đã tạo được cú hích trong việc nâng tầm quy mô sản xuất nông nghiệp, có tính chất khích lệ người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nói chung và chuyển đổi cây trồng nói riêng. Chính sách này cần tiếp tục được triển khai sau năm 2020. Tuy nhiên, một số quy định, yêu cầu của chính sách sẽ tiếp tục được sửa đổi cho phù hợp với đời sống sản xuất của nông dân.
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND tỉnh sửa đổi một số nội dung chính sách này. Trong đó, đối với nội dung hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, nhiều địa phương đề nghị tăng mức hỗ trợ, giảm bớt các thủ tục theo hướng đơn giản hơn. Ngoài ra, hoạt động giải ngân vốn hỗ trợ cũng được tính toán cân đối sớm hơn để người dân tiếp cận nhanh hơn với nguồn vốn hỗ trợ.
Hồng Đăng
Theo: Báo Khánh Hòa