Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Quyết liệt ứng phó dịch bệnh trên vật nuôi

Cùng với việc triển khai kế hoạch năm 2019, hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Khánh Hòa hướng dẫn các hộ chăn nuôi tập trung các giải pháp quyết liệt nhằm phòng ngừa, khống chế dịch bệnh đang ở mức nguy cơ cao trên đàn vật nuôi.

Chuẩn bị tiêm phòng

Hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 200.000 con, tăng hơn 50.000 con so với cùng kỳ năm trước. Việc giá heo hơi chạm ngưỡng 50.000 đồng/kg là nguyên nhân giúp cho người chăn nuôi mạnh dạn tái đàn. Với gia cầm, toàn tỉnh có khoảng 2,7 triệu con, giảm gần 93.000 con so với cùng kỳ năm trước. Giá gà chỉ đạt quanh mức giá sàn, chưa đầy 50.000 đồng/kg, khiến nhiều người nuôi không mặn mà đầu tư.

Ông Lê Thắng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, theo kế hoạch, đợt tiêm phòng thứ nhất sẽ được tổ chức vào tháng 3 và tháng 4-2019. Đối tượng tiêm phòng gồm: trâu, bò, heo, chó, mèo, gia cầm các loại… Loại vắc xin tiêm phòng phổ biến là: tụ huyết trùng, lở mồm long móng tiêm cho trâu, bò; dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tai xanh tiêm trên đàn heo; bệnh dại chó, mèo; tiêm phòng bệnh Niu-cát-xơn, dịch tả, cúm gia cầm trên đàn gia cầm. Đợt tiêm phòng thứ 2 sẽ được thực hiện vào tháng 9 và tháng 10-2019.

Theo kế hoạch, việc tiêm phòng bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc sẽ được thực hiện tại 3 địa phương là: Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Ninh Hòa và 3 xã ở Cam Ranh gồm: Cam Lập, Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông. Kinh phí thực hiện tiêm phòng cho nội dung này hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 2,3 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Việc tiêm phòng cho đàn gia cầm thực hiện tại các hộ chăn nuôi có quy mô dưới 500 con ở địa bàn các huyện, thị xã, thành phố có nguy cơ bệnh cao gồm: Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa và Vạn Ninh. Kinh phí thực hiện gần 2,6 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1,6 tỷ đồng do người chăn nuôi chi trả. Tương tự, hoạt động tiêm phòng bệnh tai xanh trên đàn heo được thực hiện ở các hộ chăn nuôi có quy mô dưới 50 con trên địa bàn các xã có nguy cơ cao được cơ quan chuyên môn xác định tại 37 xã của 3 địa phương có nguy cơ xuất hiện dịch cao là: Cam Lâm, Diên Khánh và Nha Trang.

Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch phòng bệnh động vật nuôi năm 2019 hơn 17,6 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh 4,5 tỷ đồng, cấp huyện 4,373 tỷ đồng, còn lại hơn 8,75 tỷ đồng do người chăn nuôi chi trả. Ngoài ra, hoạt động tiêm phòng theo các chương trình khuyến nông có tổng kinh phí khoảng 900 triệu đồng để tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng cho khoảng 32.000 con trâu, bò và tiêm phòng dịch tả heo cho khoảng 28.000 con.

Một trang trại chăn nuôi heo ở Ninh Hòa.

Xác định nguy cơ để kịp thời khống chế

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cuối tháng 1-2019, đàn gà của 1 hộ chăn nuôi ở Diên Khánh có hiện tượng chết nhiều, chi cục đã kiểm tra mổ khám, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kết quả phát hiện 3 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N6. Hơn 5.000 con gà của hộ chăn nuôi này đã được tiêu hủy và thực hiện các giải pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Đến nay, ổ dịch này đã được khống chế, không lây lan.

Từ sự việc trên cho thấy, tuy người chăn nuôi và cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý, khống chế bệnh dịch, nhưng nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm vẫn luôn hiện hữu. Trong khi đó, ở nhiều địa phương, nhất là TP. Nha Trang, hoạt động chăn nuôi heo quy mô nhỏ vẫn còn khá lớn. Hình thức tận dụng thức ăn thừa làm thức ăn chăn nuôi vẫn còn phổ biến. Mức độ quan tâm đầu tư vào chuồng trại, tiêm phòng, vệ sinh thú y ở các hộ chăn nuôi nhỏ vẫn còn hạn chế. Đó là những nguyên nhân khiến cho nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có cơ hội xảy ra. “Trong tình hình hiện nay, dịch lở mồm long móng trên đàn trâu, bò đang xảy ra tại nhiều địa phương trong phạm vi cả nước, bệnh dịch tả heo châu Phi có nguy cơ cao xâm nhập… khiến cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc trở nên bức thiết hơn”, ông Lê Thắng nhấn mạnh.

Hiện nay, lực lượng thú y và người chăn nuôi trên toàn tỉnh tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung các giải pháp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ngay các đàn gia cầm ốm, chết; lấy mẫu các trường hợp bất thường, nghi ngờ gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y để xét nghiệm tìm vi rút cúm gia cầm; tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường chăm sóc gia cầm, vệ sinh chuồng trại, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học khác, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm H5N1 cho đàn gia cầm. Đối với gia súc, trong tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, ngành thú y đã khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện “5 không” gồm: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, bên cạnh những thuận lợi như việc cấp kinh phí triển khai các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật một cách kịp thời, hoạt động chăn nuôi vẫn còn một số khó khăn như: các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ý thức chưa cao trong việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, thậm chí nhiều hộ không chấp hành việc tiêm phòng khiến cho dịch bệnh có nguy cơ xảy ra; nhân viên thú y xã chuyển về UBND cấp xã quản lý nên công tác thống kê, triển khai tiêm phòng, tổng hợp chứng từ tiến hành qua nhiều bước còn chậm.

Cùng với cả nước, hiện nay, chăn nuôi Khánh Hòa đang ở vào giai đoạn hồi sinh sau khoảng 3 năm điêu đứng vì rớt giá. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm khá phức tạp về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả người chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ và cơ quan chức năng mới có thể giảm thiểu được nguy cơ dịch bệnh bùng phát.

Hồng Đăng
 

Theo: Báo Khánh Hòa