Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Quỹ tín dụng nhân dân Cam Lâm: Kênh vốn phát triển sản phẩm nông nghiệp địa phương

Với phần lớn nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Cam Lâm góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Sử dụng hiệu quả vốn vay

Dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài tây cổ thụ nhiều quả nhỏ và dày đặc hoa, vợ chồng bà Trần Thị Nhi – Nguyễn Văn Phúc (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm) cho biết, giống xoài địa phương này tầm hơn tháng nữa sẽ vào vụ thu hoạch rộ. Mỗi gốc xoài tây mấy chục năm tuổi này nếu trúng có thể cho hơn 2 tấn quả. Hiện nay, giá xoài tây 18.000 đồng/kg; đây là mức giá khá cao. Do được đầu tư chăm sóc nên dự kiến vụ xoài này sẽ cho sản lượng khoảng 30 tấn. Ngoài ra, bà Nhi cũng đang làm chậu, chuẩn bị những bó tre cắm cho vụ cúc sẽ bắt đầu trồng vào tháng 7. Gia đình bà Nhi vay quỹ đã 20 năm nay, nguồn vốn vay tăng dần lên. Bà Nhi cho biết: “Cũng nhờ phần lớn vào nguồn vốn của QTDND Cam Lâm mà gia đình tôi khá giả như hiện nay. Trước đây, gia đình vay vốn trồng đủ thứ từ xoài, kiệu, sắn nước đến hoa cúc. Nhờ đó, kinh tế ngày càng khấm khá, có tiền nuôi 4 con ăn học, cất nhà mới khang trang, dành dụm mua thêm đất lập vườn. Đến nay, gia đình có hơn 2,5 mẫu đất trồng xoài Úc, xoài bồ, xoài tây. Làm ăn tốt, trả nợ đầy đủ nên quỹ cấp hạn mức vay tới 500 triệu đồng. Vốn vay chủ yếu để đầu tư vào vườn xoài và khoảng 3.000 chậu cúc Tết”.

Gia đình ông Phạm Văn Cát vay vốn đầu tư nuôi gà ác đẻ trứng hiệu quả.

5 năm trước, hơn 10.300m2 vườn của gia đình ông Phạm Văn Cát ở thôn Tân Sinh Tây (xã Cam Thành Bắc) hầu như trống không. Chỉ sau mấy năm, nơi đây xanh mát xoài, mít, bưởi… Ngoài phần vốn tích lũy của gia đình, ông vay thêm vốn từ QTDND Cam Lâm để cải tạo vườn, nuôi bò, đào ao thả cá. Gần đây, gia đình chuyển sang nuôi gà ác lấy trứng. Ông Cát cho biết, hiện nay, nuôi gà ác lấy trứng hiệu quả nhất. Gần 1 năm trước, gia đình ông đầu tư chuồng trại nuôi 1.100 con gà giống sắp đẻ từ Tiền Giang. Sau 1 tháng, lứa gà đồng loạt đẻ trứng. Mỗi ngày, đàn gà cho khoảng 500 quả trứng với giá bán buôn 2.500 đồng/trứng, trừ hết chi phí cho lãi khoảng 750.000 đồng/ngày, tiêu thụ rất thuận lợi. Sau 1 năm, lứa gà này sẽ thải loại và công ty cung cấp giống sẽ thu mua lại bằng khoảng 2/3 giá gà giống rồi tiếp tục cung cấp giống mới. Thấy nuôi gà ác cho trứng hiệu quả, gia đình ông tiếp tục vay 500 triệu đồng từ quỹ để nuôi thêm 2.500 con và đầu tư chăm sóc vườn.

Nguồn vốn tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp

QTDND Cam Lâm thành lập từ năm 1997, tại 120 đường Trường Chinh, thị trấn Cam Đức; địa bàn hoạt động liên xã gồm: thị trấn Cam Đức và các xã: Cam Hải Tây, Cam Hải Đông, Cam Hiệp Bắc, Cam Thành Bắc của huyện Cam Lâm. Qua gần 22 năm đồng hành với người dân Cam Lâm, nguồn vốn tín dụng của quỹ cùng nguồn vốn khác đã góp phần phát triển sản phẩm nông nghiệp địa phương, nhất là cây xoài.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn – Giám đốc QTDND Cam Lâm cho biết, đến ngày 18-6, tổng nguồn vốn hoạt động của quỹ đạt 72 tỷ đồng, trong đó, huy động vốn đạt 67 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 47 tỷ đồng. Trong đó, hơn 95% nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, ngoài ra, một phần nhỏ cho lĩnh vực tiêu dùng và nuôi trồng thủy sản. Nhờ làm tốt công tác thẩm định nên chất lượng tín dụng tốt, không có nợ xấu. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7,5 – 9%/năm; trung, dài hạn 12 – 13,9%/năm. Nguồn vốn đã hỗ trợ tích cực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chương trình mỗi xã một sản phẩm với sản phẩm đặc trưng của địa phương là xoài.

Ông Đỗ Trọng Thảo – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, trong 4 QTDND hoạt động trên địa bàn tỉnh, QTDND Cam Lâm có nguồn vốn hoạt động lớn nhất. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của QTDND Cam Lâm cho thấy, quỹ đạt mức tăng trưởng cao, chất lượng tín dụng được đảm bảo. Trong quá trình hoạt động, quỹ cần tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để có hướng đầu tư phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương, trong đó, lưu ý cho vay gắn với sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương, tiêu biểu như xoài Cam Lâm; đồng thời, dành vốn mở rộng cho vay tiêu dùng để hạn chế “tín dụng đen”.

NAM DU
 

Theo: Báo Khánh Hòa