Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Quy hoạch Khu Thương mại tự do Vân Phong: Đừng chần chừ để lỡ cơ hội

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng quy hoạch Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã thuê đơn vị tư vấn lập quy hoạch chung. Trong quy hoạch chung, quy hoạch Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhân dịp đầu xuân, Báo Khánh Hòa có cuộc phỏng vấn ông Jonathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

. Thưa ông, năm 2020 ông đã tài trợ cho tỉnh 5 triệu USD để quy hoạch Vân Phong xuất phát từ tình cảm đối với quê hương. Xin ông cho biết, bằng con mắt của nhà đầu tư, ông nhìn nhận Vân Phong có gì hấp dẫn và đã tư vấn cho UBND tỉnh nên quy hoạch theo hướng nào?



Ông Jonathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương


. Từ khi thành lập cho đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được một số dự án công nghiệp nặng, có dự án đã đi vào hoạt động nhưng đa số tập trung ở phía Nam Vân Phong. Có một số dự án du lịch đăng ký triển khai tại Bắc Vân Phong nhưng hầu như nằm yên, dự án có vốn đầu tư nước ngoài không cao. Phải nhìn thấy một sự thật là tuy có lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên… nhưng KKT Vân Phong được đánh giá là một nơi khá xa xôi với các vùng kinh tế động lực, thiếu tính kết nối, không có chất xúc tác để thu hút đầu tư, du khách đến so với các khu vực biển khác của Khánh Hòa. Việt Nam hiện có 18 KKT ven biển, nhưng vẫn chỉ là các khu công nghiệp với các chính sách ưu đãi rất hạn chế. Đặc biệt là cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có khu thương mại tự do (TMTD) với thể chế hành chính, kinh tế, ưu đãi đột phá có thể cạnh tranh với các khu TMTD quốc tế.


Theo tập đoàn tư vấn BCG của Hoa Kỳ, hiện nay mô hình Khu TMTD đang là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia. Tổ chức thành công sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, tăng trưởng GDP cho quốc gia. Mô hình này đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, điển hình như: khu TMTD Hồng Kông, Ma Cao, khu TMTD đảo Hải Nam (Trung Quốc), khu TMTD JaFza (Dubai) và Incheon, Jesu (Hàn Quốc)…


Có 5 lĩnh vực được xác định bên trong khu TMTD được tập trung phát triển rõ ràng: Ngành hậu cần, sản xuất chế tạo, dịch vụ du lịch, bán lẻ miễn thuế, công nghiệp đặc thù. Ưu đãi là điều kiện thiết yếu để thăng tiến trong bối cảnh địa điểm xa xôi và cạnh tranh gay gắt… Phải có những ưu đãi hấp dẫn mới có thể thu hút du khách trong nước và quốc tế và các nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ quốc tế.

. Nếu như mô hình các Khu TMTD trên thế giới có điều kiện ưu đãi chung như nhau, mô hình cũng không phải mới mẻ thì khu TMTD Vân Phong có gì khác biệt để thu hút nhà đầu tư?


. Với xu hướng trên, các công ty tư vấn như BCG (Mỹ) và VIUP (Việt Nam), kết hợp ý kiến các nhà đầu tư, đối tác chiến lược của chúng tôi đã đề xuất định hướng xây dựng khu TMTD Bắc Vân Phong với 8 điểm khác biệt với các mô hình khác như sau:


Tập trung vào ngành nghề ưu tiên: Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh tự nhiên. Phát triển hệ sinh thái ngành, trong đó các ngành nghề bổ sung hỗ trợ cho nhau. Đảm bảo lợi ích toàn diện: Xã hội, kinh tế và môi trường với mục tiêu tăng việc làm, tăng tỷ lệ lao động được đào tạo, đóng góp vào tăng trưởng GDP và tổng thu thuế, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Mô hình phát triển tích hợp, kết hợp sớm với các nhà đầu tư mỏ neo. Mô hình ưu đãi đặc thù có tính hấp dẫn cạnh tranh cho nhà đầu tư, dựa trên các quy chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất. Đây sẽ là mô hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế biển và có thể nhân rộng cho các KKT khác. Bắt nhịp với xu hướng phát triển quốc tế và phát huy lợi ích hội nhập KKT hiện đại, phát triển kinh tế xanh thông minh và bền vững, hưởng lợi ích từ các hiệp định tự do và các lợi ích từ hội nhập khác. Quan trọng nhất là Khu TMTD Bắc Vân Phong sẽ trở thành cửa ngõ giao lưu quốc tế, KKT kết nối Tây Nguyên với biển, với duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối với các nước ASEAN qua hành lang kinh tế Đông – Tây.

. Xin ông nói kỹ hơn về ý tưởng đề xuất đầu tư khu TMTD Bắc Vân Phong?


. Với tầm quan trọng của khu TMTD như trên, chúng tôi và các đối tác hàng đầu trong nhiều lĩnh vực: Tài chính, bất động sản, khách sạn vui chơi giải trí đã đề xuất Khu phi thuế quan gắn với Cảng trung chuyển Quốc tế tại Hòn Gốm hiện nay cần được nghiên cứu mở rộng, quy hoạch định hướng phát triển thành khu TMTD Bắc Vân Phong. Khu vực đề xuất quy hoạch khoảng 31.000ha.



Lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư vào Vân Phong của IPPG.



Định hướng phát triển cho khu TMTD này thành một hệ sinh thái: đô thị du lịch, thương mại, giải trí cao cấp và phát triển kinh tế biển công nghệ cao, tận dụng vẻ đẹp thiên nhiên của vịnh Bắc Vân Phong để phát triển thành một trong các địa điểm du lịch, các khu bất động sản cao cấp, thu hút các nhà đầu tư, khách du lịch đẳng cấp quốc tế có mức chi tiêu cao đến đầu tư và định cư.


Chúng tôi đã tư vấn cho UBND tỉnh một số ý tưởng đề xuất cụ thể để phát triển tại Khu TMTD Bắc Vân Phong như sau:


Đầu tư cảng trung chuyển quốc tế; khu công nghệ cao, vườn ươm doanh nghiệp khoa học và công nghệ cao, các trường đào tạo nghề và trí tuệ nhân tạo…; các hạ tầng và tiện ích công cộng như: sân bay cho các chuyên cơ, thủy phi cơ, hạ tầng công nghệ số, hạ tầng thông minh…


Xây dựng các khu thương mại miễn thuế gồm cửa hàng miễn thuế, siêu thị miễn thuế, trung tâm bán hàng giảm giá cao cấp (Premium Outlet)…


Phát triển các khu khách sạn resort phức hợp sinh thái và casino; các khu vui chơi, thể thao, vui chơi giải trí như khu du lịch biển sâu sinh thái và bảo tàng biển, sân golf, KKT đêm, bar, pub; Khu đô thị biệt thự sườn đồi hạng sang, khu đô thị resort mặt biển cao cấp, tạo giá trị đẳng cấp cho bất động sản Bắc Vân Phong. Khu Đô thị dịch vụ du lịch tăng cường sức khỏe như: các khu chữa trị công nghệ cao, phục hồi chức năng, tế bào gốc (stem cells), các khu dưỡng lão quốc tế…


Song song đó, chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng xây dựng các thể chế, cơ chế, chính sách ưu đãi có thể cạnh tranh với các Khu TMTD tương tự trong khu vực và quốc tế, để làm động lực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn tầm cỡ “đại bàng” quốc tế tới đầu tư và góp phần phát triển kinh tế vượt bậc cho tỉnh Khánh Hòa.

. Tháng 11-2020, IPPG ký kết với UBND tỉnh Khánh Hòa về hợp tác xúc tiến đầu tư phát triển KKT Vân Phong. Xin ông đánh giá kết quả sơ bộ đã đạt được trong hơn 1 năm qua và triển vọng trong thời gian tới?


. Sau hơn một năm miệt mài nghiên cứu, hội thảo và chắt lọc những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại từ rất nhiều các KKT, khu TMTD trên thế giới, đồng thời lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia nước ngoài cũng như trong nước từ nhiều lĩnh vực, nhóm tư vấn đã hoàn chỉnh sơ bộ hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong. Tổ tư vấn và tập đoàn IPPG cũng đã nhiều lần họp với UBND tỉnh, Ban Quản lý KKT Vân Phong và các sở, ngành của tỉnh để trình bày và ghi nhận các ý kiến đóng góp. Hiện nay Hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung đã được trình lên các cơ quan chức năng nghiên cứu, chờ phê duyệt. Sau khi hồ sơ được phê duyệt, tổ tư vấn sẽ triển khai trình tiếp Đề án quy hoạch chi tiết Bắc Vân Phong trong thời gian sớm nhất. Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, sau đại dịch nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển dòng vốn đầu tư.



Một góc Bắc Vân Phong.



Chúng tôi cũng đã xúc tiến làm việc liên tục với các đối tác chiến lược của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu… về các kế hoạch đầu tư cũng như tham gia góp ý cùng với tư vấn trong việc qui hoạch Bắc Vân Phong, hầu hết các nhà đầu tư đều rất mong muốn tham gia sâu và mong chờ các cơ chế chính sách ưu đãi ban hành.


 Khu TMTD Bắc Vân Phong chắc chắn sẽ là đòn bẩy kinh tế có thể cạnh tranh được với các khu TMTD khác trên thế giới và hoàn toàn có khả năng đón được làn sóng đầu tư từ nhiều nước trên thế giới, nếu việc quy hoạch chiến lược được các cơ quan chức năng đồng thuận định hướng theo phân tích logic, khoa học, chuyên nghiệp của các nhà đầu tư và tư vấn, đồng thời đề án các cơ chế chính sách ưu đãi quản lý vận hành đặc thù mang tính cạnh tranh quốc tế được các cơ quan chức năng thông qua và ban hành sớm, các nhà đầu tư đã chuẩn bị tài chính và chờ sẵn, chúng ta nên làm nhanh nếu không sẽ mất cơ hội vì theo thống kê của BCG trên thế giới có 5.383 KKT, riêng Châu Á có 4.052 KTT và Châu Á cũng có thêm 419 KKT/TMTD đang thành lập 2021… Như vậy, các KKT/TMTD mới khi thành lập sẽ cạnh tranh gay gắt để thu hút dòng vốn FDI. Nhưng Việt Nam đang có lợi thế vì tình hình thiếu ổn định chính trị của một số nước trên thế giới, và KKT Bắc Vân Phong sẽ đón đầu nếu làm nhanh, khi đó Bắc Vân Phong sẽ đạt tổng doanh thu nhiều tỷ USD trong thời gian tới, đóng góp đáng kể cho kinh tế, xã hội cho tỉnh Khánh Hòa và vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

. Xin cảm ơn ông!




Ông Johnathan Hạnh Nguyễn sinh ra ở Nha Trang, là một doanh nhân nặng tình với quê hương. Năm 1985, ông là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước đầu tư và thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương – Imex Pan Pacific (IPPG). Ông đã bắt tay đầu tư vào quê hương Khánh Hòa. Dự án đầu tiên là Khách sạn Loge Nha Trang đi vào hoạt động năm 1996 với quy mô 14 tầng, tiêu chuẩn 3 sao, vốn đầu tư gần 10 triệu USD là khách sạn sang trọng và cao nhất Nha Trang thời đó. Dự án thứ hai ông tham gia là Nhà ga hành khách quốc tế – Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh với quyết tâm hoàn thành dự án trong vòng 18 tháng kể từ ngày khởi công. Dự án chính thức đi vào hoạt động vào ngày 30-6-2018.



P.V (thực hiện)



Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/dac-san-xuan/202202/quy-hoach-khu-thuong-mai-tu-do-van-phong-dung-chan-chu-de-lo-co-hoi-8242395/