Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Quy hoạch dự án ở Nha Trang có vấn đề

Ngày 19-11, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chủ trì cuộc họp khẩn kiểm tra, chỉ đạo tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ.

Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho rằng đây là trận sạt lở ngoài sức tưởng tượng, hậu quả tàn phá nặng nề. Ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cũng thảng thốt trước số người thiệt mạng và mất tích. Lãnh đạo TP Nha Trang cũng thừa nhận những điểm sạt lở có người tử vong không nằm trong các điểm dự báo của thành phố. “Tại các điểm sạt lở đã không được đề phòng, nên khi sự cố xảy ra chính quyền địa phương không trở tay kịp” – Chủ tịch TP Nha Trang Lê Hữu Thọ nói và thừa nhận trách nhiệm đầu tiên thuộc về người đứng đầu địa phương. Tại điểm sạt lở ở xóm Núi, xã Phước Đồng, ông Thọ thừa nhận không được quy hoạch và bảo đảm các cơ chế phòng chống sạt lở. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu, kiến nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ người dân ra khỏi khu vực này” – vị chủ tịch TP nói.

Còn vụ vỡ hồ chứa tại dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú ở phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, theo ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, vụ việc đã khiến hơn 10 căn nhà dưới chân núi ở tổ dân phố Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa bị nước phá hủy hoàn toàn. Cả khu dân cư không còn gì nguyên vẹn, sự ảm đạm bao trùm. Gia đình thầy Trần Hoàng Phong chạy không kịp khiến 4 người đều bị vùi trong đống đổ nát, tử vong. Vợ thầy Phong là cô giáo Nguyễn Thị Thủy bị nước cuốn xa khỏi nhà hơn 70 m, mắc kẹt trên ban công tầng hai một căn nhà dưới chân núi. Mọi nỗ lực cứu chữa đều bất thành.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, cho rằng các nơi xảy ra sạt lở đều nằm ở những vị trí nhạy cảm, gần các dự án. “Lâu nay, chúng tôi đã cảnh báo sự bất cập tại các dự án ở TP Nha Trang. Trong quy hoạch, những dự án ven các núi đồi ở Nha Trang về độ cao đều vượt quá chuẩn quy hoạch chung TP Nha Trang mà Thủ tướng đã phê duyệt. Các dự án đều vi phạm kể cả quy hoạch sử dụng đất vì tất cả đều quy hoạch rừng và cây xanh ở khu vực đồi núi” – ông Lộc cho biết.

Ông Lộc cho rằng khi các dự án triển khai hay người dân tự ý xây dựng đều phải tác động vào tự nhiên, thay đổi nhiều yếu tố địa chất. Các dự án triển khai đều mang tính chủ quan, không tính toán, lường trước các trường hợp xấu xảy ra. Năm ngoái, khu vực Đường Đệ phường Vĩnh Hòa đã xảy ra vụ vỡ mương khiến nhà cửa người dân hư hỏng, năm trước đó thì sạt núi ở Phước Đồng, đến nay lại vỡ hồ chứa của dự án khu dân cư nhà ở cao cấp Hoàng Phú khiến cả gia đình 4 người chết… “Hậu quả, trách nhiệm này trước hết phải là do chính quyền địa phương chứ đừng đổ thừa cho thiên tai. Đây không phải là lần đầu tiên TP Nha Trang gặp mưa lớn”- ông Lộc nói.

Ông Trần Văn Đông cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc bể hồ chứa ở dự án Hoàng Phú, phường đã có buổi làm việc với chủ đầu tư. Hiện sự việc phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra mới có kết luận cuối cùng. Trước mắt, phường yêu cầu chủ đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ gia đình anh Trần Hoàng Phong 100 triệu đồng để lo mai táng; các hộ gia đình có nhà sập, hư hỏng thì hỗ trợ 35 triệu đồng/hộ tiền thuê nhà trong 3 tháng. 

Mấy ngày qua, mưa lớn từ thượng nguồn đổ về các sông ở tỉnh Ninh Thuận gây lũ cục bộ ở một số xã của huyện Thuận Nam, Ninh Phước. Chính quyền xã Phước Nam, huyện Thuận Nam phải di dời khẩn cấp hơn 100 hộ dân (gần 700 người), huyện Ninh Phước di dời 300 hộ (hơn 900 người) của xã Phước Hải, An Hải đến nơi an toàn.

Lượng mưa ở TP Nha Trang là dị thường

Xuất hiện bão số 9, khả năng đổ bộ vào Nam Trung Bộ

Chiều 19-11, ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia – cho biết lượng mưa ở các tỉnh Nam Trung Bộ mấy ngày qua là dị thường, phá vỡ quy luật và ngoài dự kiến. Tuy nhiên, việc dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất cho khu vực tỉnh Khánh Hòa vẫn còn hạn chế do TP Nha Trang nằm trong vùng mù của radar tại Nha Trang (bị che lấp do sự phát triển của các công trình nhà ở cao tầng). Ngoài ra, sự phát triển của các khu đô thị, nhà ở ven biển đã làm hạn chế sự tiêu thoát nước… Hiện nay, Việt Nam chưa thể dự báo được lũ quét, sạt lở đất. Việc cảnh báo chi tiết đến huyện, xã hoặc khu vực có nguy cơ cao, rất cao chỉ có thể thực hiện trước khoảng 3 – 6 giờ với độ chắc chắn không cao.

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – cho biết trong vài ngày tới sẽ tiếp tục xuất hiện cơn bão số 9, bão có thể đổ bộ vào Nam Trung Bộ. Bão số 9 được dự báo nguy hiểm hơn rất nhiều so với cơn bão số 8, mưa rất lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở rất cao.

V.Duẩn

Theo: Người Lao Động