Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Quảng bá thương hiệu nông sản

Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 6 nông sản được công nhận thương hiệu. Tuy nhiên, việc quảng bá, phát huy giá trị thương hiệu còn khó khăn.

Khó phát huy

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với các cấp, ngành có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu nông sản có thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, việc quảng bá thương hiệu gặp khó khăn do việc giao chủ thể quản lý hầu hết là hội nông dân (HND), một số hợp tác xã (HTX). Trong khi đó, chức năng chính của HND là tuyên truyền vận động nông dân, thiếu chuyên môn, thiếu lực lượng, thiếu kinh phí, lại chưa được tập huấn nghiệp vụ sâu rộng; HTX thì không đủ khả năng quảng bá thông tin, nhiều hạn chế về kinh phí.  

Nhãn hiệu dừa xiêm Ninh Đa, thị xã Ninh Hòa được công nhận sở hữu trí tuệ từ năm 2016.

Theo ông Nguyễn Hữu Truyền – Chủ tịch HND phường Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa), nhãn hiệu dừa xiêm Ninh Đa được công nhận sở hữu trí tuệ từ năm 2016. Chủ thể quản lý là HND thị xã Ninh Hòa nhưng thực chất tác nghiệp chính là HND xã Ninh Đa. Bão số 12 năm 2017 đã phá tan các vườn dừa trong khu vực, đến nay chỉ có 40% hồi phục nên sản lượng dừa khá thấp; việc quảng bá thương hiệu gặp khó khăn do không có điểm, mô hình quảng bá; việc dán tem nhãn hiệu dừa cũng đang gặp khó. Dừa được dán tem phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn (quả tròn, da xanh đặc trưng, trọng lượng 2kg, không dị hình…); đồng thời giá bán cố định (mùa nắng 12.000 đồng/trái, mùa mưa 7.000 đồng/trái). Lâu nay, việc dán tem nhãn hiệu được giao cho Tổ hợp tác dừa Ninh Đa thực hiện, không dám làm đại trà vì chỉ cần sơ suất là có thể ảnh hưởng đến thương hiệu. Trong khi đó, dừa đúng tiêu chuẩn lại không đảm bảo về số lượng, một số vùng của Ninh Đa chất lượng dừa không đạt tiêu chuẩn. Mặt khác, số lượng tem nhãn hiệu cấp 9.000 cái đã dán hết; hiện nay tâm lý người dân không muốn dán tem cho dừa nữa vì chịu nhiều ràng buộc.

Nhãn hiệu hoa cúc Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa) được công nhận tháng 3-2017, chủ thể quản lý là HND Ninh Giang. Tết Nguyên đán 2018, 1.950 nhãn hiệu làng hoa đã được phân bổ cho 20 hộ trồng hoa Tết dán hết, bình quân 100 nhãn/hộ. Đến Tết Nguyên đán 2019, phường giao HND phường đăng ký nhãn hiệu phát cho người dân nhưng cán bộ HND quên đăng ký, thế là vụ hoa Tết năm 2019, hoa Ninh Giang không có nhãn hiệu.

Ông Mấu Xuân Hạnh – Chủ tịch HND huyện Khánh Sơn cho biết, nhãn hiệu sầu riêng Khánh Sơn được công nhận thương hiệu từ năm 2015. Thời gian qua, HND phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện vận động người dân trồng, chăm sóc sầu riêng theo quy trình, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng sản phẩm; tem nhãn hiệu được giao cho HTX Cây ăn quả Sơn Bình thực hiện. Song hiện nay vẫn không tránh khỏi việc mạo danh sầu riêng Khánh Sơn. Ông Hạnh đề nghị các cấp, ngành liên quan cần nghiên cứu giao việc quản lý thương hiệu cho một đơn vị có chuyên môn như doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

Tương tự, ông Ngô Văn Nhẹ – Chủ tịch HND xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh), cũng cho hay rất lúng túng khi triển khai xây dựng thương hiệu táo của địa phương.

Sẽ tăng cường hỗ trợ chủ thể

Theo lãnh đạo Sở KH-CN, đến nay, nhãn hiệu nông sản thế mạnh của tỉnh được công nhận sở hữu trí tuệ gồm: 2 nhãn hiệu chứng nhận là xoài Cam Lâm và sầu riêng Khánh Sơn; 4 nhãn hiệu tập thể là dừa xiêm Ninh Đa, hoa cúc Ninh Giang, bưởi da xanh Khánh Vĩnh và táo Cam Thành Nam (không xét gạo Ngọc Quang vì chỉ là sản phẩm đặc trưng của một HTX).

Thời gian qua, việc xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nói chung và sản phẩm nông sản nói riêng được thực hiện trên cơ chế đề xuất đặt hàng của từng địa phương và các sở, ban, ngành liên quan gửi về Sở KH-CN. Kinh phí từ nguồn sự nghiệp KH-CN phân cho Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Sau nghiệm thu, Sở KH-CN bàn giao các sản phẩm cho các cơ quan đề xuất đặt hàng và chủ sở hữu được UBND tỉnh giao đứng tên đăng ký và làm chủ sở hữu nhãn hiệu.

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở KH-CN cho biết: Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung năm 2009, đối với sản phẩm đặc trưng của địa phương có mang tên địa danh, quyền đứng tên đăng ký sở hữu phải được tỉnh cho phép. Thời gian qua, các HTX hay HND đều được tỉnh ủy quyền chủ thể quản lý. Hiện tại, việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu mang tên địa danh còn nhiều lúng túng do thiếu kinh nghiệm tổ chức triển khai, quản lý và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu. Bên cạnh đó là những khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng trên thị trường; kinh nghiệm, kỹ năng truyền thông, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, kinh phí hoạt động… Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh thực hiện Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh và đề xuất nội dung hỗ trợ từ Trung ương; tiếp tục triển khai Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2019 – 2020 như: tiếp nhận nhu cầu, xác lập quyền thương hiệu, xây dựng hệ thống nhận diện nhãn hiệu, in ấn nhãn hiệu đã đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài, tập huấn về sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, sở chủ trì, phối hợp hỗ trợ khai thác, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ cho các thương hiệu sản phẩm của tỉnh; tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ cho các đối tượng được giao chủ sở hữu…

V.LẠC
 

Theo: Báo Khánh Hòa