Thời gian qua, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã góp phần mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sách. Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế thất thu thuế. 

Kết quả bước đầu

Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, hiện nay, cơ quan thuế quản lý thu thuế 1.305 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Trong đó, có 637 DN kinh doanh lưu trú, 394 DN kinh doanh lữ hành và 274 DN kinh doanh ăn uống, thương mại, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, cơ quan thuế quản lý thu thuế theo hình thức thuế khoán của 127 hộ chuyên kinh doanh ăn uống, thương mại, dịch vụ phục vụ khách du lịch.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA

Tháng 7-2019, UBND tỉnh có công văn đề nghị  Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cảng vụ Nha Trang, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, chủ động triển khai giải pháp, tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có). Đồng thời, giao Sở Du lịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin để kịp thời đề xuất giải pháp quản lý phù hợp.

Du khách mua hàng tại TP. Nha Trang. 

Theo bà Bùi Thị Thanh Nga – Phó Trưởng phòng Thanh tra, kiểm tra số 2 Cục Thuế tỉnh, thời gian qua,  cơ quan thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế lĩnh vực du lịch; kiểm tra, giám sát các DN kinh doanh lưu trú thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Đồng thời, đôn đốc các DN khai báo thông tin lưu trú trên hệ thống quản lý thông tin lưu trú tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra tại trụ sở các DN kinh doanh lưu trú, lữ hành, ăn uống, thương mại và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Ngành còn tập trung kiểm soát hồ sơ khai thuế, nộp thuế của DN; đôn đốc thu hồi nợ thuế, chống thất thu thuế; tăng cường rà soát các hộ kinh doanh chuyên phục vụ khách du lịch để đưa vào diện quản lý thuế…

Nhờ vậy, 7 tháng năm 2019, tổng thu ngân sách từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 515 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế lĩnh vực này cũng đạt kết quả nhất định. Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế tỉnh đã ban hành quyết định xử lý 68 DN với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng…

Cần phối hợp, siết chặt quản lý 

Tuy nhiên, công tác quản lý thuế lĩnh vực du lịch còn gặp không ít khó khăn. Bà Thanh Nga cho biết, việc kiểm soát lượng khách lưu trú và giá bán thực tế trong mùa cao điểm du lịch so với giá đăng ký đối với các khách sạn từ 2 sao trở xuống gặp khó; hoạt động lữ hành quốc tế khá phức tạp, đặc biệt là thị trường khách Trung Quốc với các tour giá rẻ qua chuyến bay charter, dẫn đến việc hình thành các chuỗi cửa hàng mua sắm để bù đắp chi phí. Mặt khác, các DN có quy mô nhỏ, kinh doanh theo kiểu “chụp giật”, hạ giá tour, bán tour chui, tour giá rẻ tràn lan. Một số trường hợp hoạt động kinh doanh ăn uống, thương mại chưa thực hiện đúng quy định bán hàng phải xuất hóa đơn… Ngoài ra, việc kiểm soát hoạt động kinh doanh ăn uống trên bè nổi và hoạt động vui chơi giải trí trên biển gặp trở ngại.

Tháng 7-2019, UBND tỉnh có công văn đề nghị  Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cảng vụ Nha Trang, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, chủ động triển khai giải pháp, tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm (nếu có). Đồng thời, giao Sở Du lịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin để kịp thời đề xuất giải pháp quản lý phù hợp.

Điều đáng nói, các DN, hộ kinh doanh còn có những biểu hiện sai phạm như: kê khai thiếu doanh thu và thuế giá trị gia tăng đầu ra tương ứng khi bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ; giá bán phòng và giá bán tour thấp hơn giá đăng ký với Sở Tài chính. Một số trường hợp khuyến mãi, giảm giá, trao đổi phòng không đăng ký theo quy định, không kê khai thuế đối với hàng cho, biếu, tặng; kê khống chi phí, kê khai chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh để giảm số thuế phải nộp. Một số đơn vị kinh doanh lưu trú còn kê khai chi phí không phù hợp trong quá trình đầu tư xây dựng dự án; kê khai thiếu thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài đối với dịch vụ đặt phòng qua mạng…

Thời gian tới, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các phòng, chi cục thuế tăng cường giám sát hồ sơ khai thuế, nộp thuế và đôn đốc tình hình nợ thuế của các DN kinh doanh du lịch; tiếp tục thanh tra, kiểm tra các DN lĩnh vực lưu trú, lữ hành quốc tế, ăn uống, thương mại, dịch vụ vận chuyển khách du lịch và vui chơi trên biển. Cơ quan thuế sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành nắm bắt thông tin tình hình tour giá rẻ, giao dịch thanh toán qua POS và các hoạt động kinh doanh du lịch khác liên quan đến người nước ngoài để phục vụ công tác quản lý thuế. Bên cạnh đó, chủ trì hoặc tham gia phối hợp với các đoàn liên ngành để kiểm tra, xử lý kịp thời sai phạm của các DN lĩnh vực này. Song song đó, Cục Thuế tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan cập nhật, nâng cấp, hoàn thiện chức năng hệ thống phần mềm quản lý thông tin lưu trú tỉnh; chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn tỉnh hỗ trợ cung cấp kịp thời các thông tin hoặc giao dịch phát sinh đáng ngờ để cơ quan thuế có cơ sở xử lý theo quy định…

NGUYỄN KIM