Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có hàng trăm dự án bất động sản (BĐS) du lịch nhưng công tác quản lý còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Trung ương cho phép áp dụng một số giải pháp để quản lý lĩnh vực này tốt hơn.

Phức tạp bất động sản du lịch

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, thời gian qua, thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ với hàng trăm dự án mới đã  xuất hiện nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước, dẫn đến một số vi phạm trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS. Nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng, gây bức xúc cho người dân. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay nhân lực của sở còn thiếu, gây khó khăn trong quản lý lĩnh vực BĐS, tạo cơ hội cho những tiêu cực của thị trường này gia tăng, kéo theo nguy cơ mất ổn định, giảm tính minh bạch của thị trường BĐS.

TẶNG BẠN MÃ GIẢM GIÁ SHOPEE KHI ĐỌC TIN TỨC KHÁNH HÒA
Nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu về dự án The Arena (Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh).

Nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu về dự án The Arena (Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh).

Đặc thù của Khánh Hòa là có phân khúc các dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, số lượng các dự án ở phân khúc này đủ điều kiện đưa ra thị trường không nhiều. Phân khúc này đang có xu hướng chuyển từ TP. Nha Trang vào khu vực Bãi Dài (huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh). Chỉ tính riêng Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, năm 2018 đã có 45 dự án BĐS nghỉ dưỡng được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích đất lên đến hơn 1.600ha. Các dự án BĐS nghỉ dưỡng dần hình thành góp phần vào việc phát triển du lịch theo định hướng chung nhưng lại kéo theo sự tăng trưởng của thị trường BĐS, làm giá đất, nhà ở tăng cao. Gần đây còn xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng sự thiếu am hiểu của khách hàng để trục lợi, gây nhầm lẫn khi giao kết hợp đồng mua bán căn hộ du lịch. Nguyên nhân chính là do chưa có quy định pháp luật cụ thể về mô hình quản lý, tên gọi của BĐS du lịch và quyền, nghĩa vụ cụ thể của các bên tham gia mua bán.

Đề xuất giải pháp tạm thời

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh mới đây, Sở Xây dựng cho rằng, BĐS du lịch là sản phẩm mới ở Việt Nam, đặc biệt là loại hình căn hộ trong các tòa nhà cao tầng hỗn hợp. Hiện nay, các văn bản pháp luật liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, tên gọi căn hộ cũng như quy định về quản lý vận hành chưa rõ ràng, dẫn đến xảy ra những xung đột giữa chủ đầu tư và khách hàng cũng như chưa đảm bảo về an ninh trật tự, cơ chế thuế…

Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết, Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 chỉ bắt buộc BĐS là nhà ở hình thành trong tương lai trước khi bán hoặc cho thuê phải có thông báo đủ điều kiện của Sở Xây dựng. Các loại hình BĐS khác bao gồm cả biệt thự du lịch (resort), căn hộ du lịch (condotel), văn phòng cho thuê kết hợp lưu trú (officetel) không phải là nhà ở nên không bắt buộc phải thông báo với Sở Xây dựng trước khi bán. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi, xử lý việc mua bán, chuyển nhượng các sản phẩm của loại hình BĐS này.

Chính vì vậy, để quản lý loại hình BĐS này tốt hơn, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh đề nghị các cơ quan Trung ương nghiên cứu ban hành quy định cho phép các dự án resort, condotel, officetel bắt buộc phải có văn bản thông báo đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh của Sở Xây dựng trước khi bán. Ngoài ra, sở kiến nghị cho phép thu tiền sử dụng đất đối với đất đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng để nhà đầu tư, chủ sở hữu được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất lâu dài; nhưng không cho phép được hình thành đơn vị ở. Như vậy, ngân sách nhà nước sẽ tăng thu, có kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật.

VĂN KỲ
 

Theo: Báo Khánh Hòa