Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Phục hồi, tái tạo rạn san hô phục vụ du lịch

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số khu vực có thể phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô phục vụ du lịch sinh thái biển Khánh Hòa” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao. Đây là cơ sở khoa học đánh giá xu thế biến động hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ Khánh Hòa.

Theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn – Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang), chủ nhiệm đề tài, vùng biển Khánh Hòa có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự đa dạng và phong phú của nhiều sinh cảnh biển độc đáo như: rạn san hô, thảm cỏ biển và bãi cát vùng triều… Trong đó, rạn san hô không chỉ đa dạng về sinh học mà còn cung cấp dịch vụ hệ sinh thái quan trọng cho phát triển thủy sản và du lịch biển. Tuy nhiên, hiện nay, việc khai thác quá mức, thiếu kiểm soát, vấn đề về môi trường đã và đang là yếu tố gây suy thoái rạn san hô. Từ thực tế đó, năm 2015, UBND tỉnh đã đặt hàng Viện Hải dương học thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số khu vực có thể phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô phục vụ du lịch sinh thái biển Khánh Hòa”.

Phục hồi san hô phục vụ du lịch sinh thái.

Qua tổ chức khảo sát thực địa, các nhà khoa học cho biết có 20 khu vực san hô tiềm năng trên vùng biển Khánh Hòa được lựa chọn để đánh giá chi tiết bằng phương pháp kiểm tra rạn và điều tra nguồn lợi sinh vật trong các hệ sinh thái biển nhiệt đới. Kết quả phân tích độ phủ các hợp phần đáy rạn san hô cho thấy, trong những thành phần hữu sinh trên các rạn nghiên cứu, san hô cứng là thành phần chủ yếu với độ phủ trung bình đạt 25,65%; san hô mềm chỉ chiếm khoảng 3,1%. Từ đó, các thành viên thực hiện đề tài nhận định, tình trạng sức khỏe rạn san hô trong tỉnh ở mức độ dưới trung bình.

Song song đó, đề tài đã triển khai 2 mô hình phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô nhằm phục vụ du lịch trên diện tích 3.000m2 với 2 doanh nghiệp tham gia gồm: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào (khu vực Đông Nam Hòn Tằm), Công ty TNHH Vinpearl Nha Trang (khu vực Tây Nam Hòn Tre); đồng thời, hỗ trợ Công ty Du lịch Trí Nguyên (khu vực Bãi Sạn) và Công ty Du lịch Hồng Hải (Khu vực Six Sense Ninh Vân Bay) tự nguyện tham gia.

Trong giai đoạn đầu thực hiện, tỷ lệ sống của san hô phục hồi đạt khá với 49%; trong đó, san hô phục hồi trên khung sắt có tỷ lệ sống cao từ 62,9% đến 97,76%. Tuy nhiên, cơn bão số 12 năm 2017 đã làm giảm tỷ lệ sống của san hô trên khung sắt, ở Hòn Tằm còn 41,2% và ở Vinpearl còn 42,25%. Điều đáng nói, qua quá trình triển khai thực hiện đã có sự phục hồi tự nhiên của san hô trên các giá thể nhân tạo. Cụ thể, ở khu vực Vinpearl ghi nhận tháng 12-2017 có 630 tập đoàn san hô Porites bám trên bồn bê tông nhưng đến tháng 4-2018 đã tăng lên 752 tập đoàn. Còn ở Hòn Tằm, san hô mới định cư thuộc nhiều giống đa dạng hơn nhưng số lượng ít hơn 100 tập đoàn. Sự biến động về độ phủ san hô cứng theo thời gian cho thấy, khu vực Vinpearl và Bãi Sạn có độ phủ san hô cứng tương đối ổn định; khu vực Nam Hòn Tằm, độ phủ san hô cứng tăng lên đáng kể (56,8%)…

Ngoài ra, đề tài cũng đã đề xuất được 14 khu vực ven bờ, ven đảo và 2 bãi cạn cần được quản lý, phục hồi và tái tạo hệ sinh thái rạn san hô cho mục đích du lịch sinh thái ở vùng ven bờ biển Khánh Hòa. Theo Thạc sĩ Đàm Hải Vân – Trường Đại học Nha Trang, việc quản lý, bảo vệ các rạn san hô phục vụ du lịch sinh thái ở Khánh Hòa hiện nay còn khá hạn chế. Do đó, kết quả của đề tài là cơ sở khoa học nhằm tiến hành các hoạt động quản lý, phục hồi và sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên biển.

Ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, những kết quả bước đầu trong xây dựng mô hình của đề tài tuy còn khiếm tốn nhưng là tiền đề để nhân rộng. Các doanh nghiệp đã nhận thức được các hoạt động bảo vệ, phục hồi và phát triển hệ sinh thái rạn san hô trong vùng nước thuộc doanh nghiệp quản lý, góp phần cho sự phát triển bền vững nguồn tài nguyên ven biển Khánh Hòa.

KHÁNH HÀ