Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Phòng ngừa hỏa hoạn tại các khu dân cư

Hỏa hoạn là tai nạn có nguy cơ gây thiệt hại về tính mạng con người và tài sản rất cao. Vì thế, việc phòng ngừa được coi là phương án chủ yếu để hạn chế hỏa hoạn. Tuy nhiên, trong thực tế, đến khi hỏa hoạn xảy ra mới thấy nhiều người chưa quan tâm phòng ngừa đúng mức.


Sau 2 tuần xảy ra hỏa hoạn tại căn nhà của bà Đỗ Thị Lài (76 tuổi) trong hẻm Vạn Hòa, đường bờ kè Hà Ra, phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang, nhiều người dân nơi đây vẫn chưa hết lo lắng. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy xảy ra trong hẻm đông dân cư với những ngôi nhà san sát, đường đi chật hẹp đã khiến người dân nơi đây luôn thường trực nỗi lo. “May mắn là các chiến sĩ chữa cháy đã kịp thời dập tắt hỏa hoạn từ khá sớm, nếu không những căn nhà lân cận rất có thể đã bị ngọn lửa bén sang”, ông Nguyễn Văn Tư, trú hẻm Vạn Hòa cho biết. Tuy vậy, khi được hỏi về việc gia đình có trang bị thiết bị chữa cháy không thì ông Tư chỉ biết lắc đầu. Đây cũng là thực trạng tại hầu hết các hộ gia đình hiện nay.



Vụ hỏa hoạn tại căn nhà 3 tầng gần chợ Xóm Mới.



Còn nhớ vụ hỏa hoạn xảy ra tại căn nhà 3 tầng gần chợ Xóm Mới, TP. Nha Trang vào cuối tháng 2-2021, khi tiếp cận hiện trường, phóng viên chứng kiến người hàng xóm đã cố gắng dùng chiếc vòi nước nhỏ, xịt nước về phía căn nhà đang cháy. Ngoài ra, không thấy lực lượng hay người dân nào có dụng cụ phòng cháy chữa cháy. Nếu không có sự can thiệp của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp sau đó thì rất có thể đám cháy sẽ trực tiếp đe dọa những căn nhà lân cận.


Thượng tá Hồ Chí Thanh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, tại mỗi gia đình cần mua sắm ít nhất một thiết bị chữa cháy như bình chữa cháy để kịp thời ứng phó mỗi khi xảy ra cháy tại gia đình. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, mỗi gia đình cũng cần trang bị thiết bị phòng khói và khí độc như mặt nạ phòng độc hay khẩu trang hoạt tính. Ngoài ra, tại các gia đình có nhà cao tầng cần trang bị thêm thiết bị thoát hiểm, chẳng hạn như dây thừng. Thời gian qua, các vụ hỏa hoạn tại khu dân cư gây thiệt hại lớn về người đa phần do hít phải khí độc. Vì thế, ngoài việc trang bị những kiến thức về phòng cháy, người dân cần trang bị cho gia đình những thiết bị chữa cháy, phòng độc. Những thiết bị này không quá đắt tiền và hoàn toàn có thể dự trữ phòng khi cần thiết.


Cũng theo Thượng tá Thanh, để phòng ngừa hỏa hoạn trong các khu dân cư, mỗi hộ gia đình, nơi sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh… cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị sử dụng điện, nhất là phải lắp thiết bị tự động ngắt hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị có công suất lớn. Người dân khi ra khỏi nhà phải kiểm tra tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện, đồ dùng điện, không đặt chất gây cháy gần các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện như: Đèn, bếp điện, ổ cắm điện; đóng ngắt bình gas sau khi sử dụng, chú ý những nơi thờ cúng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình kinh doanh cần lưu ý không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu, đèn neon.



Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), thời gian qua, các vụ cháy chủ yếu là cháy nhà dân, cháy rừng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 72%). Địa bàn cháy tập trung chủ yếu ở thành thị (chiếm 63%). Thời điểm xảy ra cháy đa số diễn ra vào ban đêm, dẫn đến việc phát hiện đám cháy, quá trình xử lý ban đầu không hiệu quả; đa số kết cấu công trình xảy ra cháy thường là bê tông cốt thép; chất cháy chủ yếu là chất rắn bao gồm các vật dụng sinh hoạt gia đình, hàng hóa, gỗ. Hầu hết các vụ cháy xảy ra vào mùa hanh khô, gây thiệt hại rất lớn về tài sản.




Thành Long

Theo: Báo Khánh Hòa

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/202104/phong-ngua-hoa-hoan-tai-cac-khu-dan-cu-8214433/