Site icon Tin Tức Khánh Hòa

Phòng ngừa hạ đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường

Theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính từ ngày 23-6 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 11.480 ca mắc Covid-19. Số bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện hơn 9.360 ca, chiếm 82%; 94 trường hợp tử vong, chiếm 1%, trong đó có 84 bệnh nhân có bệnh nền, chủ yếu là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch và béo phì.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, người mắc Covid-19 kèm bệnh nền đái tháo đường có tiên lượng bệnh nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao gấp 3 lần so với bệnh nhân Covid-19 không bị bệnh này do miễn dịch dễ suy giảm, sức đề kháng chống lại vi rút yếu hơn và khả năng phục hồi cũng lâu hơn.



Tập huấn truyền thông phòng, chống bệnh đái tháo đường cho nhân viên y tế thôn bản.



Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng đường máu do ảnh hưởng tác động của Insulin. Việc tăng đường máu trong thời gian dài, nhiều năm sẽ gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt, thần kinh.


Bệnh thận phổ biến ở những người đái tháo đường hơn là những người không mắc đái tháo đường. Đối với biến chứng thần kinh, khu vực bị ảnh hưởng nhiều là các chi, đặc biệt là bàn chân, người bệnh sẽ thấy đau, ngứa và mất cảm giác. Mất cảm giác sẽ gây ra những chấn thương mà người bệnh không chú ý dẫn đến nhiễm trùng nặng nề và có thể phải cắt cụt chi. Đối với biến chứng mắt, hầu hết bệnh nhân đái tháo đường sẽ mắc bệnh võng mạc làm giảm thị lực hoặc mù lòa. Mức đường máu cao liên tục, huyết áp cao, cholesterol cao là nguyên nhân chính gây ra bệnh võng mạc, do vậy bệnh nhân đái tháo đường phải luôn kiểm tra mắt, giữ mức đường máu,  lipid máu bình thường hoặc gần với giá trị bình thường.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, những người cần tầm soát đái tháo đường là những người ít vận động thể lực, trong gia đình có người bị đái tháo đường (như bố mẹ, anh chị em ruột), bệnh nhân tăng huyết áp, có tăng các chỉ số  lipid máu, những người có vòng bụng to, đối với nam ≥90cm, nữ ≥80cm, phụ nữ bị buồng trứng đa nang, phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ, tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch. Ở người từ 45 tuổi trở lên cần kiểm tra, tầm soát bệnh đái tháo đường. Việc phát hiện, chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm có thể sẽ giúp kiểm soát bệnh ở mức tối ưu, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh để phòng tránh các biến chứng.


Liên quan đến việc bệnh nhân đái tháo đường phòng tránh nhiễm SARS-CoV2, người bệnh cần tuân thủ 5K, tiêm vắc xin phòng Covid-19 và hạn chế tiếp xúc để giảm nguy cơ. Người bệnh không tự ý ngừng hoặc bỏ thuốc hoặc dùng thêm thuốc khác; cần phải đo đường máu mao mạch thường xuyên, tự theo dõi đường máu tại nhà. Những trường hợp không kiểm tra được đường máu tại nhà phải chú ý những dấu hiệu như đi tiểu nhiều hơn, nhất là vào ban đêm, khát nước, đau đầu, mệt mỏi, thờ ơ, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, cảm giác đói… cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn, xử trí kịp thời.


Đối với hạ đường máu, người bệnh sẽ có triệu chứng như: huyết áp hạ, tim đập nhanh, mồ hôi vã ra, cảm giác mệt mỏi rã rời, đói lả, choáng váng… cần ngừng sử dụng thuốc hoặc uống hạ đường máu hoặc Insulin. Nếu trường hợp mức độ nhẹ, người bệnh vẫn tỉnh táo thì nên uống ngay nước đường hoặc thức uống chứa đường sau đó dùng thêm cháo, sữa, hoa quả…


Để đề phòng hạ đường máu, bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng đủ lượng carbohydrate trước khi tập thể dục và ăn nhẹ trong lúc tập thể dục nếu cần; ăn thêm các bữa phụ ngay khi lượng đường có dấu hiệu xuống thấp; thường xuyên kiểm tra đường máu và tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc khi không có đơn hoặc ngưng thuốc khi các dấu hiệu bệnh thuyên giảm, luôn có sẵn đường như kẹo, bánh trong túi để phòng xảy ra hạ đường huyết thì có dùng ngay.


Hồng Hoa

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)

Nguồn: https://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/yte-suckhoe/202111/phong-ngua-ha-duong-mau-o-benh-nhan-dai-thao-duong-8235852/